Thế và lực mới của Thủ đô sau 10 năm mở rộng

Sau mở rộng, Thủ đô Hà Nội có quy mô rất lớn với diện tích tự nhiên 3.334,47 km2, có đủ không gian đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, xứng đáng là trung tâm đa chức năng, có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng.

Ảnh minh họa

Cơ hội và động lực phát triển

Sau khi được mở rộng, Thủ đô Hà Nội có tiềm năng đất đai tốt hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, đô thị. Với diện tích 3.358,92 km2, Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện tốt hơn cho quá trình tái cấu trúc Thủ đô về không gian kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Nguồn lực con người dồi dào góp phần gia tăng sức hấp dẫn của Thủ đô về nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tuyển dụng các lao động, khéo tay, cần cù, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giữ ổn định lực lượng lao động của mình.

Thủ đô có cơ hội cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả. Hàng chục khu công nghiệp lớn nhỏ với nhiều doanh nghiệp vốn FDI có thương hiệu quốc tế, hàng trăm làng nghề truyền thống trực tiếp góp phần làm khởi sắc, đa dạng thêm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và xuất khẩu của Thủ đô Hà Nội sau mở rộng. Nông nghiệp gia tăng về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, được chuyên môn hóa và hiện đại hóa cao hơn. Các dịch vụ trực tiếp hỗ trợ kinh doanh, phục vụ đời sống người dân phát triển ngày càng đa dạng, cả bề rộng và chiều sâu. Đặc biệt, các trung tâm tài chính – ngân hàng, các khu nông nghiệp – trang trại, các khu công nghệ cao và các khu du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái đa sở hữu có quy mô lớn tầm quốc gia và khu vực cũng sẽ có cơ hội phát triển, trở thành biểu tượng mới của Thủ đô thời kỳ mở rộng – hội nhập và phát triển.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với hàng ngàn di sản của các địa phương sẽ tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc và vô giá. Điều này không chỉ góp phần khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh đó, sau mở rộng, Thủ đô có thị trường mở rộng, liên kết, chiếm trên 10% tổng GDP trong tổng thu ngân sách Nhà nước,… Có vị trí quan trọng về giao thông, có lịch sử phát triển lâu đời, có sức sống tự thân mãnh liệt của một thị trường có dung lượng lớn và sức hút, lan tỏa mạnh mẽ với các địa phương, thị trường khác trong vùng, cả nước và quốc tế. Đồng thời, có điều kiện tốt hơn để bố trí lại các khu công nghiệp, các khu chức năng khác của Thủ đô cho phù hợp với yêu cầu thị trường, môi trường, cảnh quan và phát triển,… Có điều kiện thu hút thêm nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có của những địa phương và thị trường liên quan,…

Khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước

Hà Nội luôn tích cực thực hiện các nội dung hợp tác phát triển với Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) qua đó không ngừng nâng cao vị thế và vai trò của Thủ đô. Kế hoạch phát triển Thành phố đáp ứng các tiêu chí công nghiệp hóa – hiện đại hóa với quyết tâm về đích sớm trước toàn quốc luôn được quan tâm thực hiện.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,41%/năm (dịch vụ tăng 7,52%/năm, công ngiệp xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%). Quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2008. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, tương đương 3.910 USD/ người, gấp 2,3 lần năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Tại thời điểm 31/12/2017 dịch vụ 57,6%, công nghiệp – xây dựng 29,7%, nông nghiệp 2,9%. Một số ngành có giá trị tăng lớn, chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin – truyền thông, du lịch,… Từ 9/01/2017 đưa vào hoạt động Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Thương mại phát triển, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD (gấp 1,7 lần năm 2008), tăng bình quân 8,79%/ năm, nhập siêu được kiểm soát. Hạ tầng thương mại được đầu tư. Trong 10 năm đã đưa vào sử dụng 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ (tăng 12 trung tâm thương mại, 47 siêu thị, 99 chợ so với năm 2008).

Ngành du lịch phát triển nhanh, lượng khách tăng trung bình 12%/năm, chiếm gần 40% lượng khách quốc tế của cả nước. Khách quốc tế tăng từ 1,3 triệu lượt nam 2008 lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển so với năm 2008, có 3.546 cơ sở lưu trú (tăng 5 lần), 60.458 buồng, phòng ( 3,5 lần).

Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp giai đoạn 2008 – 2017 là 8,61%/năm; có 8 khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp được lấp đầy, hoạt động ổn định. Công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, công nghệ cao tiếp tục phát triển, chiếm 83,56% tổng giá trị sản xuất trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực ở tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất nước. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề được khuyến khích phát triển. Năm 2017 Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tăng 70 làng so với năm 2010.

Ngành xây dựng có giá trị tăng thêm đạt 7,18%/năm. Tổng diện tích nhà ở xây mới đạt 15 triệu m2. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế – xã hội, giao thông, khu đô thị mới, nhà ở,… được bổ sung vào hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất và dịch vụ.

Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp 2008 – 2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2008 (124 triệu đồng). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp đạt 55,6% năm 2017. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh. Chăn nuôi chuyển dần sang hình thức trang trại, quy mô lớn ngoài khu dân cư, tăng cường sản xuất theo chuỗi và sản xuất con giống. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được thực hiện ở tất cả các khâu, đã xây dựng được các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm,…

Kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện, phát triển. Các thị trường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ,… phát triển đồng bộ. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, có sự thay đổi tích cực về tỷ trọng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2008 – 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng, đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút 3.327 dự án, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần năm 2008. Từ năm 2008 đến 2017 đã có hơn 177.052 doanh nghiệp đăng kí kinh doanh, với số vốn khoảng 1,95 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 6,75% năm.

Thu, chi ngân sách luôn đảm bảo sự cân đối, đóng góp quan trọng vào ngân sách Trung ương, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và những khó khăn trong nước, thu ngân sách vẫn tăng trung bình 12,69%/năm. Năm 2017 đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008.

Diện tích Hà Nội hiện chiếm 21,2% Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và 1% cả nước; dân số chiếm 41,7% Vùng, bằng 8,1% dân số cả nước, nhưng đã đóng góp 51,1% GRDP của Vùng và 16,46% GRDP của cả nước, xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.

Hà Thu

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//the-va-luc-moi-cua-thu-do-sau-10-nam-mo-rong_n38956.html