'Thẻ vàng' và nỗ lực của ngành thủy sản

Việt Nam coi việc cảnh báo thẻ vàng của EC là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Một năm bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới thị trường tiềm năng này bị ảnh hưởng lớn.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU chỉ đạt 252 triệu USD, giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đã khiến thị phần xuất khẩu thủy sản vào EU bị thu hẹp lại, chỉ còn 12% thay vì 16-17% như trước đây. Đặc biệt, các mặt hàng mực và bạch tuộc giảm liên tục từng tháng, có tháng giảm tới 41%. Với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ, thứ 3 về mực và bạch tuộc, nên việc mất thị trường này đã gây ảnh hưởng lớn đến ngư dân, người nuôi trồng và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản.

Việc EU áp dụng "thẻ vàng" đã làm xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh, tới 25% so với cùng kỳ năm 2017. (ảnh VASEP)

Mất thị trường chính

Tại Hội nghị Đánh giá 1 năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức, nhiều DN cho biết, xuất khẩu thủy sản sang EU đang gặp khó vì khách hàng đợi phán quyết IUU. Một số DN cho biết, xuất khẩu lô hàng thủy sản nào cũng bị kiểm tra gắt gao, khiến chi phí tăng mạnh, thời gian chờ đợi các thủ tục liên quan kéo dài.

Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, đã có những thống kê của các tổ chức về việc ảnh hưởng của việc rút thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, riêng đối với các thành viên của Hội nghề cá thì rõ ràng là có tác động, tuy không thực sự quá lớn.

Theo ông Thắng, ảnh hưởng trực tiếp là những DN chế biến xuất khẩu và từ đó tác động lại ngư dân khai thác đánh bắt trên biển. Những yêu cầu tăng cường giám sát và đảm bảo quy định của EU sẽ tác động đến luồng hàng của nhà xuất khẩu hải sản. Những quy định này cũng làm thay đổi giá cả hàng hóa của ngư dân. Hàng hóa có đầy đủ giấy tờ, đáp ứng đủ các yêu cầu về vùng khai thác, nhật ký hành trình... sẽ có giá bán cao hơn và ngược lại, hàng hóa không đủ điều kiện sẽ không được thu mua hoặc bị ép giá thấp, do đó, thu nhập của ngư dân cũng bị ảnh hưởng theo.

Biến cảnh báo thành cơ hội

Mới đây nhất, đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu sang Việt Nam tìm hiểu và chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép để từ đó có kiến nghị với Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng với Việt Nam.

Trong buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nghị sĩ, Phát ngôn viên của Ủy ban Nghề cá Mato Gabriel đánh giá cao Việt Nam với những kết quả tích cực trong việc chống đánh bắt cá trái phép thời gian qua, trong đó có việc ban hành, triển khai nhiều quy định pháp lý quan trọng. Ông hy vọng các hoạt động của đoàn lần này tại Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt làm cơ sở sớm đề nghị Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Việt Nam tích cực triển khai chương trình hành động quốc gia về chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Việt Nam coi việc cảnh báo thẻ vàng của EC là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng một cách hiệu quả nhất và phù hợp nhất với tình hình thực tế.

Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: sửa đổi khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thủy sản được ban hành ngày 21/11/2017; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, trong đó tổ chức nhiều hội nghị để đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân và các địa phương; sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Với kết quả đó, Thủ tướng đề nghị ông Mato Gabriel và đoàn ủng hộ để Ủy ban châu Âu xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Trước đó, VASEP và cộng đồng DN thủy sản trên cả nước đã triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình DN hải sản cam kết chống khai thác IUU. Từ nay đến tháng 12/2019, Chương trình IUU của VASEP sẽ tiếp tục triển khai các nhóm công việc chính như: tham gia góp ý sửa đổi khung pháp lý; hợp tác các bên và quan hệ quốc tế; tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về phòng chống khai thác IUU và những nỗ lực của Việt Nam đang thực hiện…

Còn tại 7 địa phương ven biển vùng ĐBSCL, gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển vào cuối tháng 9 vừa qua. Việc ký kết nêu trên nhằm thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm đối với tàu cá và thuyền viên của địa phương này hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển của địa phương còn lại. Mục tiêu của việc quản lý nhằm ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp để tiến đến gỡ bỏ hẳn “thẻ vàng”.

Còn về phía ngư dân, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, một năm qua, các thành viên trong Hội nghề cá đã tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của EU, khai thác đánh bắt có trách nhiệm, không vi phạm vùng biển cấm, ghi chép nhật ký hành trình đầy đủ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... và hy vọng EU sẽ sớm xóa thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/the-vang-va-no-luc-cua-nganh-thuy-san-80722.html