Thêm bằng chứng WTO tê liệt sau đòn Mỹ

WTO đã gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số đến tháng 6/2020, một động thái tác động trực tiếp đến mâu thuẫn Pháp-Mỹ.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 10/12 đã thông qua việc gia hạn lệnh cấm đánh thuế giao dịch kỹ thuật số thêm 6 tháng.

WTO đang "tê liệt" vì sức ép Mỹ?

WTO đang "tê liệt" vì sức ép Mỹ?

Lệnh cấm đánh thuế đối với các giao dịch kỹ thuật số với giá trị ước tính 225 tỷ USD/năm được thực thi từ năm 1998 nhưng sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2019 và cần được các nước thành viên WTO nhất trí gia hạn.

Theo quyết định của Đại hội đồng WTO, các nước thành viên đã nhất trí hoãn lệnh cấm cho đến Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 tại Kazakhstan vào tháng 6/2020.

Ông John Denton, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế, hoan nghênh quyết định trên và cho rằng WTO vẫn là một diễn đàn hoạch định chính sách thương mại đa phương.

Quyết định của Đại hội đồng WTO sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang rất cẩn trọng xem xét tới việc đánh loại thuế này trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch điện tử được thực hiện.

Một số nước cho rằng điều này có thể dẫn đến việc áp thuế trả đũa lẫn nhau, đơn cử như sự căng thẳng gần đây giữa Pháp và Mỹ.

Ngày 2/11, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố, Mỹ sẽ có hành động "chống lại thuế kỹ thuật số" của Pháp. USTR viện kết quả cuộc điều tra Đạo luật Thương mại năm 1974, cơ quan này xác định rõ Thuế kỹ thuật số của Pháp là phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, "không phù hợp" với chính sách thuế quốc tế. USTR nhấn mạnh, thuế của Pháp cho thấy sự phân biệt đối xử hoặc việc áp đặt "các gánh nặng không đáng có" lên các công ty Mỹ.

Các mặt hàng bao gồm rượu vang sủi, sữa chua và phô mai Roquefort của Pháp nằm trong danh sách hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD có thể bị áp thuế vào giữa tháng 1/2020. Mức thuế được cho là có thể lên tới 100%.

Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đáp trả các đe dọa từ USTR, khẳng định thuế kỹ thuật số không phải "phân biệt đối xử" và cảnh báo có thể sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì biện pháp đánh tăng thuế vào các sản phẩm từ Pháp.

Quyết định mới của Đại hội đồng WTO có thể sẽ khiến Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác gồm Áo, Ý hay Thổ Nhĩ Kỳ dừng mọi động thái áp thuế kỹ thuật số.

Hồi tháng 7 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, mang tên GAFA (chữ cái đầu của Google, Appple, Facebook và Amazon) nhằm vào các công ty công nghệ lớn này, qua đó trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này. Pháp sẽ đánh thuế 3% tổng doanh thu hằng năm của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số.

Thuế sẽ áp dụng lên khoảng 30 tập đoàn công nghệ lớn hoạt động tại Pháp, hầu hết trong số đó có trụ sở tại Mỹ. Ước tính, việc áp thuế sẽ giúp Pháp thu về khoản 500 triệu euro/năm (tương đương 565 triệu USD/năm). Trong năm nay, Pháp có thể đã thu về khoản 400 triệu euro (tương đương 444 triệu USD).

Bộ trưởng Bruno Le Maire cho hay, loại thuế này được áp đặt đối với các công ty kỹ thuật số lớn nhất để mang lại công bằng và hiệu quả hơn cho hệ thống thuế quốc tế.

Tuy nhiên, quyết định của WTO có thể sẽ dập tắt những kỳ vọng của Pháp và cũng sẽ khiến mâu thuẫn Mỹ- Pháp có phần căng thẳng hơn.

Trong một diễn biến liên quan, WTO đang đứng trước những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực nhân sự dưới ảnh hưởng của Mỹ.

Ngày 10/12 là thời điểm hai trong số ba thành viên còn lại của Cơ quan Phúc thẩm (SAB) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm. Như vậy, nếu không được kết nạp thành viên mới, SAB sẽ không thể tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại liên quan đến thương mại giữa các thành viên WTO.

Song việc kết nạp thành viên SAB bị ảnh hưởng bởi Washington. Trong hai năm qua, Mỹ đã ngăn cản WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB. Tất cả 7 thành viên của SAB đều phải được bầu theo nguyên tắc đồng thuận và sẽ không thành viên mới nào được lựa chọn vào cơ quan này nếu Mỹ không đồng ý.

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cản trở WTO bổ nhiệm các thẩm phán mới cho SAB, các tranh chấp thương mại quốc tế trong thời gian tới sẽ không thể được giải quyết, khiến hệ thống thực thi các quy định của WTO gần như tê liệt.

Phil Hogan, ủy viên phụ trách thương mại châu Âu phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm 30/9 rằng, WTO đang đứng trước cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập vào 24 năm trước.

Ông nói: "Nếu các quy định quản lý thương mại quốc tế không còn được thực thi, chúng ta sẽ chỉ còn 'luật rừng'."

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/them-bang-chung-wto-te-liet-sau-don-my-3393085/