Thêm bệnh viện lớn 'kêu cứu' cạn thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Tiếp sau BV Bạch Mai, BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vừa lên tiếng về việc cơ sở này sẽ hết thuốc tê trong 2 tuần tới.

Bộ Y tế làm gì trước lời "kêu cứu" thiếu thuốc?

Phó giám đốc Viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vừa thông tin về việc cơ sở này sẽ hết thuốc tê trong 2 tuần tới, "nguy cơ đóng cửa rất cao". Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Bộ đã yêu cầu bệnh viện báo cáo chi tiết và cho đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế. Sau đó sẽ nhanh chóng có hướng giải quyết".

Đại diện BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thông tin, hai tuần nữa bệnh viện sẽ cạn thuốc tê

Đại diện BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thông tin, hai tuần nữa bệnh viện sẽ cạn thuốc tê

Thứ trưởng Tuyên thông tin, trước đó, Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan trong đó có Bộ Y tế rà soát các văn bản liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, nếu có vướng mắc để sửa đổi bổ sung ngay. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình báo cáo Chính phủ, vấn đề nào thuộc thầm quyền các bộ ngành thì các bộ ngành sửa đổi, bổ sung.

Về phía Bộ Y tế, đã triển khai rà soát và hiện đang tổng hợp lại những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu, các thông tư mua sắm của Bộ Tài chính để gửi sang Bộ Tài chính.

Trách nhiệm của Bộ Y tế, đã và đang chỉnh sửa Luật Dược và Luật Khám chữa bệnh và ban hành 3 thông tư liên quan đến số đăng ký lưu hành của thuốc; kiểm tra sinh học và y học cổ truyền.

Hiện Bộ đang lấy ý kiến sửa Thông tư 15 về đấu thầu thuốc ở các cơ sở y tế công lập và có thể sẽ ban hành sớm. Với Thông tư 14 về mua sắm trang thiết bị cũng đang được Bộ sửa chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

Lý giải thêm về việc thiếu các trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế, thuốc tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ví dụ BV A, B lập dự toán, thuê đơn vị thẩm định nhưng không có đơn vị nào nhận thẩm định; hoặc nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị cung ứng cũng hạn chế. Chưa kể đến nhiều vấn đề xã hội khác, đặc biệt là áp lực với cán bộ trực tiếp tham gia công tác đấu thầu, mua sắm. Trong đó áp lực đó đến từ nhiều vấn đề, từ thể chế, cơ chế, đến tổ chức thực hiện...

Liên tục các bệnh viện "kêu cứu" thiếu thuốc

Mới đây, BS. Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho hay, hai tuần nữa bệnh viện sẽ cạn thuốc tê. Bệnh viện đang đau đầu tìm loại thuốc phù hợp để thay thế. Hiện 2/3 dịch vụ ngoại trú của đơn vị này phải sử dụng thuốc tê. Trong khi đó, các cơ sở răng hàm mặt hết thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao.

Nguyên nhân cạn thuốc tê, theo BV Răng Hàm Mặt TƯ là do giấy phép lưu hành thuốc tê của các công ty dược chưa được gia hạn, trong khi chỉ có 2-3 đơn vị nhập loại thuốc này về Việt Nam. Trên thế giới không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm sản phẩm thay thế cũng gặp nhiều thách thức.

Trước đó, BV Bạch Mai cũng "kêu cứu" việc thiếu một số loại thuốc hiếm giải độc. Nguyên nhân đây là các thuốc hiếm, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp. Các bệnh viện cũng không thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng.

Để giải quyết tình trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Hiện, Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng.

Thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế công lập xảy ra hiện tượng thiếu trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và quyền lợi người bệnh.

Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch hai năm qua, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế còn bất cập cũng tác động lớn đến nguồn cung thuốc.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/them-benh-vien-lon-keu-cuu-can-thuoc-thu-truong-bo-y-te-noi-gi-d566296.html