Thêm bước tiến cho giao thông xanh

70 xe điện phục vụ du khách ở TP HCM sắp được triển khai. Việc này được kỳ vọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế đêm, phù hợp lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh

UBND TP HCM vừa phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực TP HCM gồm các quận 1, 4, 5 và 6. Đề án do Công ty TNHH Public Transport triển khai.

Thí điểm trong 2 năm

Chia sẻ về đề án, đại diện Công ty TNHH Public Transport cho biết đã ấp ủ từ lâu với mong muốn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến TP HCM cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế đêm theo định hướng của thành phố.

Việc đưa xe điện vào phục vụ nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm nổi tiếng của TP HCM như khu di tích lịch sử, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, phố đi bộ, khách sạn. Song song đó, hỗ trợ kết nối, trung chuyển hành khách từ công sở, văn phòng, trung tâm thương mại, khu giải trí đến trạm xe buýt, nhà ga metro…

Sắp tới, xe điện hoạt động ngoài kết nối các điểm tham quan tốt hơn còn đóng góp cho định hướng phát triển giao thông xanh của TP HCM. Trong ảnh: Xe buýt điện D4 đã hoạt động ở TP HCM.Ảnh: THU HỒNG

Sau thời gian nghe ý kiến các sở, ngành, UBND TP chính thức cho phép triển khai thí điểm trong 2 năm.

"Công ty đã sẵn sàng phương tiện, đang hoàn tất thủ tục đăng kiểm và lắp đặt thiết bị thanh toán tự động. Sau Tết Nguyên đán sẽ đưa 70 xe vào hoạt động giai đoạn 1, tùy kết quả và nhu cầu của du khách sẽ cân đối đưa thêm trong giai đoạn 2" - đại diện Công ty TNHH Public Transport cho hay.

Về tính an toàn, đại diện công ty thông tin phương tiện từ 4 đến 15 chỗ, được đóng tại Việt Nam nhưng công nghệ pin theo tiêu chuẩn Mỹ, động cơ Đức, bộ điều khiển ECU của Toyota, giá thành xe gấp đôi xe điện thông thường, bảo đảm an toàn vì sẽ đăng kiểm định kỳ.

Trên xe có thiết bị thanh toán tự động, không dùng tiền mặt, nhân viên phục vụ mặc áo bà ba truyền thống, được đào tạo kỹ năng giao tiếp và kiến thức về du lịch để giới thiệu với du khách.

Khuyến khích sự cạnh tranh

Lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho biết việc TP HCM thí điểm vận chuyển khách tham quan, du lịch là thông tin tích cực trong việc tăng thêm phương tiện công cộng, tăng sự lựa chọn cho người dân và khách tham quan.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, nhìn nhận thực tế thời gian qua một số điểm đến du lịch ở khu vực trung tâm thành phố gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu của du khách vì thiếu bãi đậu xe.

Phạm vi hoạt động

Theo đề án thí điểm, xe điện thực hiện kết nối quận 1 với quận 4 lần lượt qua các địa điểm: Bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - Đoàn Văn Bơ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - Bến Nhà Rồng.

Kết nối quận 5 với quận 6 bao gồm các đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.

Nay xe điện được triển khai có thể giải quyết bài toán này khi thêm phương tiện trung chuyển kết nối các điểm tham quan, du lịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của du khách, trong đó có khách quốc tế.

"Xe điện có thể kết nối các trung tâm mua sắm lớn tới các điểm tham quan, vừa thêm sản phẩm du lịch vừa kích cầu tiêu dùng, thu hút khách đến chi tiêu nhiều hơn. Đổi lại, khách tham quan có thể không cần trả phí xe điện vì trung tâm mua sắm, điểm cung cấp dịch vụ sẽ tài trợ phí này" - ông Mẫn nói.

Ở góc độ cạnh tranh về dịch vụ vận chuyển, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (xe buýt 2 tầng), nhận định khi xe điện được đưa vào khai thác thí điểm ở khu vực trung tâm thành phố sẽ khó tránh khỏi cạnh tranh với xe buýt 2 tầng của công ty đang khai thác.

"Thế mạnh của xe buýt 2 tầng là du khách có thể ngắm nhìn thành phố từ trên cao, nghe thuyết minh những điểm đến bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi cũng vừa chính thức nâng thời gian phục vụ lên 24/24 giờ, giúp bất kỳ thời điểm nào trong ngày du khách cũng đều được trải nghiệm, khám phá thành phố" - ông Luân nói. Ông cho hay để cạnh tranh và giữ chân du khách, công ty sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Để khai thác xe điện hiệu quả, một số doanh nghiệp cho rằng nên áp dụng thí điểm đối với những đơn vị có năng lực, bảo đảm khai thác an toàn, chuyên nghiệp. Bởi mật độ giao thông ở khu vực trung tâm TP HCM là rất cao nên sau giai đoạn thí điểm thì có đánh giá thực chất rồi triển khai đại trà…

Đô thị đẹp hơn

Đánh giá về đề án, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho rằng đây là loại hình mới, phục vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ và được Bộ GTVT cho phép thí điểm. Do phục vụ theo nhu cầu nên hành khách chủ động đặt qua app, điểm đi và đến tùy sở thích nên hạn chế ảnh hưởng xấu đến giao thông.

Đến nay toàn thành phố có hơn 500 xe buýt sử dụng năng lượng sạch, trong đó 489 xe sử dụng CNG và 20 xe điện, còn lại là xe buýt sử dụng dầu diesel (chiếm hơn 74%). Chính phủ đã có quyết định phê duyệt lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, sở triển khai nội dung này đến các hiệp hội, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thay đổi phương tiện cho phù hợp lộ trình. Việc doanh nghiệp chủ động đầu tư phương tiện xanh là phù hợp với định hướng phát triển giao thông xanh của TP HCM và cần khuyến khích nhân rộng.

Ủng hộ đề án này, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách du lịch và ô tô liên tỉnh TP HCM - cho rằng việc đưa xe điện vào hoạt động sẽ tạo thêm sản phẩm mới cho du khách đến TP HCM, làm đẹp hơn mỹ quan đô thị khi phương tiện thân thiện môi trường, thuận tiện và an toàn.

Điểm hay của đề án là phù hợp với Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane, chưa kể doanh nghiệp tự đầu tư, nhà nước không trợ giá. Nếu đề án phát huy hiệu quả sẽ góp phần phát triển giao thông xanh, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi khu vực trung tâm thành phố.

Cũng theo ông Lê Trung Tính, thành phố nên hỗ trợ để phương tiện được dừng đỗ tại các trạm xe buýt cho hành khách có thêm lựa chọn.

Cùng quan điểm, TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, lưu ý thêm không chỉ taxi, xe buýt mà xe cá nhân sẽ dần chuyển đổi sang năng lượng xanh theo lộ trình của Chính phủ. Do đó, việc doanh nghiệp chủ động đầu tư phương tiện xe điện phục vụ hành khách là cần thiết.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, các cơ quan chức năng cần lưu ý điều kiện về điểm dừng, đón trả khách để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tạo sự cạnh tranh công bằng với các loại hình vận tải công cộng khác.

Nhiều lựa chọn

Thí điểm từ quý I/2024 đến hết năm 2025, xe điện hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, du khách có thể đặt trọn chuyến, tùy theo nhu cầu đi lại.

Về hình thức đặt xe, hành khách có thể đặt lịch di chuyển qua app khi có nhu cầu sử dụng. Nhân viên vận hành sẽ sắp xếp lộ trình, tổ chức chuyến xe để kết hợp các nhu cầu khách cùng 1 chuyến đi hoặc đặt trọn chuyến theo nhu cầu. Ngoài đặt xe qua app, hành khách có thể đặt xe qua tổng đài.

70 xe điện sẽ hoạt động sau Tết Nguyên đán

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, không chỉ xe điện phục vụ du khách khu vực nội đô, Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương tiếp tục thí điểm 5 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus thực hiện. Cùng với đó, sở kiến nghị điều chỉnh trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 từ 44,1% lên 64,8%.

THU HỒNG - THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-buoc-tien-cho-giao-thong-xanh-196240202203036107.htm