Thêm cơ hội cho doanh nhân nữ

Chỉ 30% trong tổng số doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, điều này đã không phản ánh đúng năng lực của phụ nữ Việt Nam, đồng thời hạn chế đáng kể sự đóng góp của cộng đồng doanh nhân nữ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chia sẻ từ thực tế

Tại Hội thảo "Chuẩn bị cho các DN xuất khẩu thành công" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), USP (United Parcel Servive) tổ chức ngày 6/6 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, doanh nhân nữ của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp cũng như lèo lái con thuyền DN.

Đầu tiên, để có thể vay vốn ngân hàng, doanh nhân nữ phải thế chấp tài sản, để thế chấp được buộc phải có sự thống nhất của người thân nhưng khả năng nhận được sự đồng thuận là rất thấp, khiến không ít phụ nữ "lực bất tòng tâm". Ở một khía cạnh khác, ngay trong quá trình kết nối với nhà đầu tư, trình bày ý tưởng kinh doanh để kêu gọi vốn, doanh nhân nữ thường gặp phải những câu hỏi mang tính định kiến giới, không nhận được những ý kiến mang tính đóng góp, thậm chí là không có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh. "Điều đáng buồn là hầu hết các khó khăn đó xuất phát từ chính quan niệm coi nhẹ vai trò và không tin tưởng người phụ nữ" - bà Minh nói.

Doanh nhân nữ được tôn vinh, đánh giá cao

Làm chủ của 3 DN sản xuất và xuất khẩu sang 20 quốc gia các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ngọc trai và trang sức, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và thương mại Thu Hương - cũng thừa nhận, khó khăn nhất đối với DN, nhất là DN khởi nghiệp chính là nguồn vốn. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau, chủ DN lại phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp.

Những khó khăn trên chỉ là một phần rất nhỏ các doanh nhân nữ gặp phải trong quá trình phát triển DN của mình. Theo bà Anna Mori- Quản lý Dự án ITC She Trade UPS, doanh nhân nữ còn gặp phải rất nhiều vấn đề về chủ quyền; bình đẳng giới và cả những tác động không tích cực từ việc không kiểm soát tốt thị trường của các cơ quan chức năng…

Đồng hành để hỗ trợ

Bà Anna Mori cũng cho hay, để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam phát triển thương mại, tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với ITC và USP triển khai Dự án "ITC SheTrades và UPS".

Cụ thể, dự án giúp tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ hay hỗ trợ tốt nhất cho nữ doanh nhân các vấn đề từ tài chính, hậu cần cho đến giao nhận, thủ tục giấy phép tại các thị trường xuất khẩu sở tại. Dự án cũng sẽ kết hợp với Amazon và IPAY để cung cấp dịch vụ, tổ chức huấn luyện giúp phụ nữ làm thương mại tốt hơn; cung cấp kiến thức về logistics giúp DN thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo bà Arancha González - Giám đốc điều hành ITC, để thành công phải có sự đam mê và quyết tâm của cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam. Điều đầu tiên, doanh nhân nữ phải khắc phục được sự thiếu chủ động trong tiếp cận thương mại điện tử, tích cực tham gia tìm hiểu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon… nhằm vừa tìm hiểu thị hiếu và tăng năng lực của chính DN.

Tại Việt Nam, Dự án "ITC SheTrades và UPS" được thực hiện trong 3 năm (2019-2021) với mục tiêu kết nối doanh nhân nữ Việt Nam vào cộng đồng 3 triệu doanh nhân nữ trên toàn thế giới, từ đó giúp doanh nhân nữ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/them-co-hoi-cho-doanh-nhan-nu-120839.html