Thêm cơ hội từ học 'ngoại ngữ hiếm'

Khối ngành Ngôn ngữ luôn dành được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh những ngôn ngữ thông dụng như: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp... vẫn có nhiều người chọn học những ngôn ngữ ít phổ biến hơn, với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

‘Tiếng Ý đẹp và lãng mạn lắm!’

Phạm Thị Mỹ Hảo (năm thứ ba, ngành Ngôn ngữ Italia, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) quyết định gắn bó với tiếng Ý vì cô cảm thấy đây là một ngôn ngữ ‘đẹp’. Bên cạnh đó, Mỹ Hảo còn theo Công giáo, mà nước Ý nổi tiếng với thành Rôma - trung tâm của Giáo hội, có Đức Giáo hoàng. Chính vì những lý do trên mà Mỹ Hảo đã chọn học ngành Ngôn ngữ Italia cho đến nay.

Mỹ Hảo với niềm đam mê tiếng Ý của mình.

Mỹ Hảo với niềm đam mê tiếng Ý của mình.

“Tiếng Ý giúp mình tiến gần hơn với hệ chữ Latinh, giúp mình học tiếng Anh dễ dàng hơn. Ngoài ra, mình cũng nhận diện được kha khá các ngôn ngữ có liên quan như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, thậm chí là tiếng Pháp. Tiếp xúc với tiếng Ý giúp mình có cái nhìn đa dạng hơn về các ngôn ngữ cùng hệ. Bên cạnh những lợi ích, điều khó khăn nhất để chinh phục ngôn ngữ Ý có lẽ là ngữ pháp ở việc chia giống, số, ngôi và thì. Chúng có hơi phức tạp. Cộng thêm việc tiếng Ý chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam nên khó khăn trong việc tìm tài liệu hay không dễ dàng để bắt gặp người nói tiếng Ý trên phố”, Mỹ Hảo bộc bạch.

Mỹ Hảo có cơ hội giao tiếp với người Ý qua các công việc làm thêm.

Học ngôn ngữ không chỉ học về phương tiện giao tiếp, mà sinh viên còn có cơ hội trau dồi kiến thức về văn hóa của nước Ý. Cập nhật thêm nhiều lĩnh vực thời sự mà thế giới đang quan tâm như: Thời trang, ẩm thực hay tôn giáo... Mỹ Hảo mong muốn sau khi ra trường sẽ có cơ duyên để truyền đạt lại ngôn ngữ mình yêu thích cho các bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu về tiếng Ý.

‘Tây Ban Nha là ngôn ngữ mình chọn yêu’

Mong muốn được tiếp cận với một ngôn ngữ mới, Lê Mạnh Thắng đã quyết định đăng ký học ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha của trường ĐH Hà Nội. Việc sử dụng thành thạo thứ tiếng này sẽ giúp Mạnh Thắng có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Mạnh Thắng rất yêu ngôn ngữ Tây Ban Nha mình học.

“Đối với mình, việc học một ngôn ngữ là quá trình ‘mưa dầm thấm lâu’. Mình luôn quan niệm ‘Ngữ pháp như xương sống của con người, nếu không nắm chắc ngữ pháp thì khó có thể viết hay nói ra một câu mà người khác có thể hiểu được’. Sự kiên trì và quyết tâm là điều cốt lõi trong bất cứ vấn đề nào của cuộc sống. Trước đây, khi còn học đại học, mỗi ngày dù có bận đến đâu nhưng mình vẫn dành ít nhất 2-3 tiếng để ôn lại bài và xem trước kiến thức ngày mai. Còn bây giờ, khi đã đi làm, mình dành thời gian để đọc báo tiếng Tây Ban Nha để trau dồi thêm vốn từ, cũng như học thêm cách hành văn của người bản xứ”, Mạnh Thắng cho biết.

Mạnh Thắng và những người bạn ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Tiếng Tây Ban Nha được đánh giá là ngôn ngữ quan trọng thứ hai trên thế giới (sau tiếng Anh). Vì tỷ suất sinh cao ở những nước dùng ngôn ngữ này như ngôn ngữ chính thức, sự mở rộng về kinh tế trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha và do tầm quan trọng của văn học của quốc gia này nên nó sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha có sự gần gũi về nguồn gốc, có chia sẻ một lượng lớn từ vựng với nhau, sự tương đồng về cấu trúc ngữ pháp nên người học có thể tự tin chinh phục ngôn ngữ này nếu đã biết tiếng Anh trước đó.

Buổi giao lưu tiếng Đức tại trường ĐH KHXN&NV (ĐHQG TP. HCM).

Mạnh Thắng chia sẻ: “Tiếng Tây Ban Nha tuy chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng mình biết nhu cầu về nhân sự biết tiếng Tây Ban Nha trong các mảng như du lịch, kinh tế, thương mại đang rất cao. Do đó, nếu có đam mê hoặc niềm yêu thích với ngôn ngữ, con người và văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha, đừng ngần ngại theo đuổi và chinh phục thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp này”.

‘Mình muốn đi du học Đức’

Nguyễn Lý Xuân Thanh (ngành Ngôn ngữ Đức, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) quyết tâm đạt được học bổng trao đổi dành cho sinh viên để có thể đến Đức du học. Nỗ lực để chinh phục ngôn ngữ Đức là điều mà Xuân Thanh đang hướng đến.

Nguyễn Lý Xuân Thanh với niềm đam mê tiếng Đức.

“Theo thống kê, tiếng Đức là một ngôn ngữ đem lại thu nhập cao bên cạnh tiếng Anh. Ngoài ra, mình muốn có cơ hội học tập và làm việc ở những nước sử dụng tiếng Đức như Thụy Sĩ và Áo. Đồng thời, nhu cầu về việc làm tiếng Đức đang thiếu hụt ở Việt Nam, do đây là ngôn ngữ khó và chưa phổ biến. Đặc biệt, chi phí du học Đức rẻ hơn so với các nước khác và mình sẽ có cơ hội du lịch ở các nước châu Âu khác vì Đức giáp đến 9 nước”, Xuân Thanh bày tỏ.

Nhiều người gặp không ít khó khăn khi bắt đầu tiếp cận với tiếng Đức. Bởi nguồn tài liệu không nhiều so với các ngôn ngữ như Anh, Trung, Hàn… Tuy là chung gốc với tiếng Anh, cách sử dụng tiếng Đức có phần chặt chẽ hơn và nhiều quy tắc hơn. Việc học quy tắc đôi khi làm người học khó hiểu vì có nhiều trường hợp bất quy tắc, cần nhiều thời gian để thuần thục. “Tiếng Đức không hề dễ học, nhưng chỉ cần theo đuổi nó đến cùng thì chắc chắn bạn sẽ chinh phục được”, Xuân Thanh chia sẻ.

Sơn Trà

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/them-co-hoi-tu-hoc-ngoai-ngu-hiem-post1461869.tpo