Thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển

Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế tạo nhiều thuận lợi cho DN giảm bớt được nhiều thủ tục, giảm thời gian khai thuế...

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn - Tổng cục Thuế chia sẻ, ngay từ khi các văn bản pháp luật thuế lần đầu tiên được ban hành vào những năm 1990, các quy định về thuế của Việt Nam đã được áp dụng thống nhất giữa các thành phần kinh tế.

Chính sách thuế hỗ trợ các DN trong khâu XNK

Cùng một hoạt động kinh doanh, cùng một sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ đều được áp dụng thống nhất một mức thuế suất và cơ sở tính thuế, (kể cả thời gian áp dụng thuế doanh thu, thuế lợi tức và sau này chuyển thành thuế GTGT và thuế TNDN).

Trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi Mới, quyền kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) còn có sự thiên lệch về khu vực kinh tế quốc doanh, kéo theo các quy định về thuế XNK áp dụng cho khu vực DN chưa được thuận lợi so với khu vực DN nhà nước (DNNN) và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Thương mại (1997) và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1998) được ban hành, quyền kinh doanh XNK được áp dụng đối với các thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện quy định của pháp luật và được ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khu vực DN tư nhân được quyền hoạt động XNK trực tiếp thay vì trước đây chỉ được ủy thác và được đối xử bình đẳng với các khu vực khác trong việc áp dụng các quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan, nghĩa vụ kê khai, nộp các loại thuế tại khâu XNK.

Khi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước được ban hành, các chính sách ưu đãi thuế được mở rộng áp dụng đối với khu vực KTTN và được quy định ngay trong luật. Theo đó, Nhà nước bảo hộ, khuyến khích, đối xử bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên lãnh thổ Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.

Nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đầu tư thành lập DN mới hoặc thực hiện các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, ngành nghề cần khuyến khích đầu tư; các dự án SXKD thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế khá cao.

Theo quy định hiện hành, khu vực kinh tế nhà nước sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật, phần lợi nhuận sau thuế được tiếp tục động viên vào NSNN sau khi được dành một phần trích lập quỹ khuyến khích phát triển SXKD, lập quỹ khen thưởng và phúc lợi để chi cho người lao động.

Ngược lại, đối với khu vực DN tư nhân thì không phải bắt buộc thực hiện trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi; trường hợp thực tế nếu phát sinh khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động thì DN được tính vào chi phí trước khi tính thuế, phần cổ tức nếu chưa chia cho cá nhân hoặc chia cho nhà đầu tư là DN thì không bị áp thuế. Đây chính là các điểm lợi thế hơn của khu vực DN tư nhân so với khu vực DNNN.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) từ năm 2014 trở nên minh bạch hơn, thực tế hơn khi các ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi, địa bàn ưu đãi được thống nhất quy định trong Luật Thuế TNDN. Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng khi đáp ứng đủ điều kiện lĩnh vực hoặc địa bàn là được áp dụng thuế suất ưu đãi có thời hạn, được miễn, giảm thuế một số năm.

Đáng chú ý là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản là những lĩnh vực mà các DN tư nhân có nhiều khả năng tham gia. Thu nhập của DN từ hoạt động này thực hiện tại địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế, nếu dự án được thực hiện tại địa bàn khó khăn thì chỉ nộp thuế theo mức thuế suất đặc biệt ưu đãi là 10% và chỉ nộp 15% (thấp hơn mức thuế suất chung 20%) nếu dự án thực hiện tại địa bàn thuận lợi.

Đặc biệt, Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế tạo nhiều thuận lợi cho DN giảm bớt được nhiều thủ tục, giảm thời gian khai thuế từ gần 1.000 giờ đến cuối năm 2016 giảm xuống chỉ còn 110 giờ, trong đó khu vực DN tư nhân được hưởng lợi nhiều nhất.

Hiện tại, theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ Tài chính đang triển khai công tác chủ trì nghiên cứu, soạn thảo, tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan, ban ngành, cộng đồng DN, đồng thời, làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội để các Dự án sửa đổi, bổ sung các luật thuế được trình Quốc hội thông qua vào các kỳ họp tới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DN và DNNVV, ông Phụng nhấn mạnh.

Hữu An

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/them-dong-luc-cho-doanh-nghiep-phat-trien-78167.html