Thêm gói thầu tiền tỷ 'lọt' vào tay nhà thầu có dấu hiệu gian lận

Sau khi Báo Thanh tra đăng tải bài viết 'Cần kiểm tra dấu hiệu gian lận của nhà thầu thuộc Chương trình 135', nhiều bạn đọc trên cả nước bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý sai phạm nghiêm trọng và hành vi gian lận của Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long theo quy định pháp luật, tránh gây ảnh hưởng tới mục tiêu chung của Chương trình 135.

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Chu Gia - Hoàng Long

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Chu Gia - Hoàng Long

Dư luận hết sức lo ngại việc nhà thầu yếu kém về năng lực, kinh nghiệm trúng thầu sẽ làm suy giảm chất lượng, ảnh hưởng tới kết quả chung của Chương trình 135, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Như Báo Thanh tra phản ánh, tháng 9/2018, Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long bị loại tại Gói thầu số 3 tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018 do Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, chủ đầu tư vì “không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm”.

Lý do là, công ty này chỉ cung cấp được 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu 2.506.630.000 đồng trong khi hồ sơ mời thầu yêu cầu phải có 3 hợp đồng đáp ứng tiêu chí này. Đáng chú ý, hợp đồng duy nhất đạt tiêu chí là Hợp đồng số 024a-2017/HĐTL được ký giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Trần Đức và Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long, có giá trị 6,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, công ty có văn bản giải trình gửi Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, cụ thể trong quá trình chiêu sinh, do không đủ học viên, hai bên đã thống nhất hủy bỏ việc thực hiện Hợp đồng số 024a-2017/HĐTL. Công ty xác nhận đã ký hủy hợp đồng vào ngày 03/10/2017.

Ngoài ra, 3 hợp đồng còn lại để chứng minh năng lực của Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long đều có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng.

Hợp đồng "khống" không có giá trị mà Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long dùng để tham gia gói thầu tại Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh: Chu Gia - Hoàng Long

Bất thường là, với năng lực và kinh nghiệm rất “yếu” như trên, Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long vẫn “bách chiến, bách thắng” tại các gói thầu của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể, Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long liên tiếp trúng 3 gói thầu đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135, trong đó gói thầu có giá trị trúng cao nhất là 2.419.999.000 đồng.

Ngày 25/10/2019, Công ty TNHH Đào tạo Tư vấn Thăng Long trúng thầu Gói thầu Thuê dịch vụ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, do Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, với giá trị 1.999.999.000 đồng.

Xuất phát từ nguồn tin tố giác Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long có dấu hiệu không trung thực về việc cung cấp các thông tin về hồ sơ năng lực tham gia đấu thầu? Cụ thể, có dấu hiệu làm khống các hợp đồng kinh tế để làm hồ sơ năng lực tham dự các gói thầu. Phóng viên Báo thanh tra đã 3 lần trực tiếp lên Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang để xác minh, tìm hiểu làm rõ nội dung trên. Mặc dù, phía UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Công văn số 3497/UBND-KGVX, ngày 29/11/2019 giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền có trách nhiệm làm việc với phóng viên Báo Thanh tra theo nội dung đề nghị của Báo Thanh tra tại Văn bản số 579/BTT-PV ngày 18/11/2019. Tuy nhiên, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang vẫn không phối hợp để làm rõ những nghi vấn mà bạn đọc tố giác mà có ý né tránh, bao che....

Liên quan đến hành vi sử dụng hợp đồng tương tự “khống” không có giá trị để gian lận trong đấu thầu của Công ty TNHH Đào tạo tư vấn Thăng Long, theo quy định, Ban Dân tộc các tỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm xác minh khi có thông tin liên quan đến hành vi có dấu hiệu gian lận của nhà thầu khi tham gia đấu thầu được quy định tại Khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu: “Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây: a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.

Điều này cũng được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 122 của Nghị định số 63/2014/ NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Theo đó, đối với hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu, đơn vị vi phạm có thể bị áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu với thời hạn từ 3 - 5 năm tùy mức độ vi phạm, cụ thể như sau: “Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Chu Gia - Hoàng Long

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/them-goi-thau-tien-ty-lot-vao-tay-nha-thau-co-dau-hieu-gian-lan_t114c39n159042