Thêm hàng chục nghìn ca lây nhiễm Covid-19 mỗi ngày, châu Âu và Mỹ 'khó chồng khó'

Có một điểm sáng duy nhất là dù số lượng các ca lây nhiễm cao nhưng số lượng các ca tử vong lại rất thấp, chỉ bằng một phần so với thời kỳ đại dịch căng thẳng vào tháng 3 - 4/2020.

Ảnh: Reuters

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại châu Âu đang ngày một tồi tệ hơn, tình trạng này buộc các nước phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ngày một rộng hơn để ngăn tình trạng phải phong tỏa hoàn toàn.

Theo Wall Street Journal, chính phủ Pháp đã thông báo ngày có số ca lây nhiễm cao kỷ lục thứ 2, số lượng các ca lây nhiễm tại Pháp chỉ riêng trong ngày Chủ Nhật là 52.000 ca trong khi đó tại Mỹ trong ngày gần nhất có thêm 84.000 ca lây nhiễm Covid-19.

Italy cũng đang phải đương đầu với tình trạng số ca lây nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt. Giới chức Italy buộc phải áp dụng biện pháp hạn chế chặt chẽ nhất tính từ khi các lệnh phong tỏa lần trước được gỡ bỏ.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp giống như thời kỳ tháng 3/2020, giới chức Tây Ban Nha vì vậy có thêm quyền lực để áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và chính sách y tế khẩn cấp.

Trong tháng 10/2020, đã có lúc số lượng các ca lây nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại châu Âu cao vượt hơn Mỹ, điều này tiềm ẩn rủi ro khiến cho năng lực xét nghiệm, theo dấu và cách ly những người nhiễm virus mất khả năng kiểm soát bệnh tật, giới chức quản lý và y tế hàng đầu cảnh báo rằng bệnh dịch có thể sẽ tồi tệ hơn.

Chính phủ nhiều nước châu Âu đang hy vọng biện pháp kiểu như hạn chế tụ tập đông người và hoạt động về đêm sẽ giúp ngăn tình trạng lây nhiễm mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Việc số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt trong những tuần gần đây đe dọa làm mất đi thành quả ngăn chặn Covid-19 mà châu Âu đã rất khó khăn mới có được thông qua việc áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo vào mùa xuân năm nay.

Trong mùa hè, số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 hàng ngày tại châu Âu đa phần thấp hơn Mỹ, tuy nhiên từ đó đến nay đã tăng mạnh do hạn chế của hoạt động xét nghiệm cũng như theo dấu người bệnh, người dân cảm thấy mệt mỏi với các biện pháp giãn cách xã hội cũng như người trẻ không còn muốn tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Nếu việc châu Âu áp dụng mạnh các biện pháp hạn chế lây nhiễm không thể ngăn được đà lây Covid-19, châu Âu sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa việc tái áp dụng biện pháp phong tỏa ngặt nghèo hoặc để cho bệnh dịch tự lây lan, áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải sẽ còn nặng nề hơn nữa.

Cho đến nay, có một điểm sáng duy nhất trong tình hình hiện tại là dù số lượng các ca lây nhiễm cao nhưng số lượng các ca tử vong lại rất thấp, chỉ bằng một phần so với thời kỳ đại dịch căng thẳng vào tháng 3 và tháng 4/2020. Nhiều người mới mắc Covid-19 gần đây chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Hoạt động theo dấu người bệnh và điều trị tốt, ngoài ra công chúng hiểu hơn về bệnh cũng như kiến thức y học cải thiện đang giúp ngăn được những ca lây nhiễm Covid-19 nặng.

Tuy nhiên bác sỹ và các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm mất kiểm soát cuối cùng sẽ khiến cho áp lực lên các bệnh viện tăng lên, tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân nặng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một số bệnh viện tại Madrid – Tây Ban Nha hay Paris – Pháp và một số điểm nóng dịch bệnh khác đang cảnh báo số lượng người bệnh tăng mạnh.

AstraZeneca Plc và Johnson & Johnson có kế hoạch nối lại việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin trước đó đã bị giới chức Mỹ ngưng lại. Như vậy hoạt động nghiên cứu của một trong hai công ty nghiên cứu vắc xin hàng đầu nước Mỹ đã chính thức được nối lại.

Theo Bloomberg, trong tuyên bố vào ngày thứ Sáu, hãng dược phẩm Johnson & Johnson công bố sẽ tiếp tục tuyển tình nguyện viên để tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 sau khi tham vấn với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Ban kiểm soát an toàn nghiên cứu độc lập đã khuyến nghị quá trình thử nghiệm vắc xin tiếp tục. Nghiên cứu lâm sàng vắc xin đã bị ngưng lại vào đầu tháng này sau khi một bệnh nhân bị ốm, tuy nhiên, công ty không công bố chi tiết về nguyên nhân tình trạng của bệnh nhân đó.

FDA cũng đã chấp thuận cho AstraZeneca khởi động lại quá trình thử nghiệm vắc xin. Trước đó một tình nguyện viên ở Anh đã bị ốm sau khi tham gia quá trình thử nghiệm. Công ty công bố FDA đã xem xét lại dữ liệu từ các nghiên cứu toàn cầu và quyết định cần phải tiếp tục.

Việc giới chức y tế Mỹ cho phép các thử nghiệm vắc xin được tiếp tục đã giúp xua tan đi “bóng đen” xung quanh những nỗ lực phát triển vắc xin trong những tuần gần đây. Thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã bị ngưng lại trong hơn 1 tháng còn nghiên cứu của J&J đã bị hoãn từ ngày 12/10/2020. Hai công ty này hiện đang đi đầu trong các chương trình nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin cùng với Pfizer và Moderna.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/the-gioi/them-hang-chuc-nghin-ca-lay-nhiem-covid-19-moi-ngay-chau-au-va-my-kho-chong-kho-3553939.html