Thêm hãng hàng không, cục diện ngành hàng không có thay đổi?

Chỉ trong tháng 7, thị trường hàng không Việt Nam đã đón chào sự gia nhập của một hãng hàng không mới, đưa số lượng các hãng hàng không hiện nay của Việt Nam lên 6 hãng hàng không. Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc tăng trưởng mạnh và sự gia nhập thêm của nhiều hãng hàng không với mô hình mới có thể tạo ra nguy cơ về sự cạnh tranh 'phi quy luật'.

Hiện Vietnam Airlines đang chiếm 35,9% thị phần khách với 33 đường bay. Ảnh: ST.

Hiện Vietnam Airlines đang chiếm 35,9% thị phần khách với 33 đường bay. Ảnh: ST.

Ai được lợi?

Ngay trong tháng 7, thị trường hàng không Việt Nam đã đón chào thêm sự gia nhập của Công ty cổ phần hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Đây cũng là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC (Aircraft Operator Certificate) thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam. Hai loại máy bay được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. Vietstar Airlines sẽ cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Như vậy, hiện nay Việt Nam có 6 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines; Jetstar Pacific; Vasco; Vietjet Air; Bamboo Airway và Vietstar Airlines.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng hành khách hàng không đã chậm lại, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,4% (so cùng kỳ 2018 là 14%) và đạt 38,5 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt hơn 57 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 cảng hàng không. Cụ thể, Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 9 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.

Ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400.000 tấn hàng hóa, tăng 27,2%. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường hàng không Việt Nam cũng như nhu cầu của thị trường hàng không quốc tế đến Việt Nam là rất lớn, nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua tăng trưởng chậm lại là do hạ tầng không đáp ứng được. Trong thời gian tới, nếu hạ tầng hàng không ngày càng hoàn thiện thì triển vọng của thị trường hàng không Việt Nam sẽ đạt được và đạt được ở mức cao.

Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, cùng với việc có thêm sự xuất hiện của các hãng hàng không mới, người được lợi đầu tiên sẽ là người dân. Bởi việc tham gia của các hãng hàng không tư nhân đã giúp phá vỡ thế độc quyền trong kinh doanh hàng không, từ phương tiện chỉ dành cho giới thu nhập cao, nay trở thành công cụ đi lại rộng cửa hơn với mọi người dân. Có thể dễ dàng nhận thấy, sau khi tham gia vào thị trường hàng không, Vietjet Air đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn trong ngành hàng không. Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, 4 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways đã vận chuyển tổng cộng 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Vietjet chiếm 44% thị phần khách, Vietnam Airlines chiếm 35,9% và VASCO 2%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.

Cần sự hoạch định chiến lược

Tương tự như các lĩnh vực kinh doanh khác, bằng việc cạnh tranh giảm giá vé và tăng lượng máy bay để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, nhất là khu vực đông dân và số lượng đi máy bay chưa cao sẽ kéo theo cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá, dẫn đến doanh nghiệp sẽ lún vào thua lỗ, triệt tiêu lẫn nhau và khó tránh khỏi nguy cơ để lại hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế. Đây cũng chính là những thách thức mà các hãng hàng không đang phải đối mặt. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc cạnh tranh theo nghĩa thông thường tạo ra động lực rất lớn cho sự phát triển và người tiêu dùng hưởng lợi. Để tránh sự cạnh tranh khốc liệt, gây hậu quả đáng tiếc giữa các hãng hàng không, đầu tiên là cần đến sự hoạch định chiến lược có điều kiện, quy tắc để sự gia nhập thị trường không làm méo mó sự cạnh tranh.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đình Thiên, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, đối với lĩnh vực hàng không, cạnh tranh phải là kinh doanh có điều kiện, và một trong những điều kiện quan trọng trong ngành này là đặt sinh mạng hành khách lên hàng đầu. Chính vì vậy, cần phải có điều kiện để hạn chế phá giá. Hãng hàng không nào không đủ khả năng chịu lỗ trong thời gian dài thì phá sản hết vì không có nhà nước bảo trợ. Nhà nước cũng cần đưa ra những quy định xem năng lực, điều kiện của các hãng hàng không, đưa ra dự báo thông tin thị trường để có quy hoạch phát triển phù hợp, cũng là giải pháp để chúng ta có thể lường trước được những thất bại.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lại cho rằng, năng lực cạnh tranh của một hãng phụ thuộc rất nhiều, từ chiến lược kinh doanh đến quản trị, cách thức hoạt động, cũng như nhân lực, nguồn lực, thế nhưng rõ ràng sự phát triển là rất lớn, có sự tác động qua lại. Nếu như hạ tầng phát triển tốt, văn minh hiện đại, thì các hãng hoạt động tốt hơn, và nhiều hãng hoạt động như thế sẽ có sự cạnh tranh nhau rất gay gắt. Chính vì vậy, để hàng không phát triển, quy hoạch phát triển, trong đó hạ tầng phải đi trước một bước. Muốn mở một đường bay, trước hết phải mở một sân bay. Nhu cầu này là rất lớn, và thực tế trong những năm qua chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng so với nhu cầu vẫn cần phát triển hơn nữa.

PGS.TS Trần Đình Thiên:

Như việc có quá nhiều nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô bị xiêu vẹo, hay câu chuyện của Grab vừa diễn ra không biết quản lý như thế nào. Đây là bài học để ứng dụng vào trong thị trường hàng không. Đầu tiên cần thiết lập sân chơi với các điều kiện tương đối an toàn cho các đối thủ tham gia, điều này chỉ có thể được bảo đảm bằng luật pháp, phải công bằng. Ngoài ra, cần có sự giám sát cạnh tranh bình đẳng, phải có tiêu chuẩn, quy tắc, hoạt động giám sát phải dựa trên những chuẩn mực.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/them-hang-hang-khong-cuc-dien-nganh-hang-khong-co-thay-doi-109469-109469.html