Thêm kênh phân phối cho sản phẩm OCOP Thái Bình

Thái Bình hiện có 64 sản phẩm OCOP, trong đó, 32 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao.

Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình vừa khai trương giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình.

Hiện đã có hơn 40 tổ chức, đơn vị với hơn 400 loại sản phẩm đang được trưng bày tại sàn giao dịch.

Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình thuộc Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm, Sở Khoa học và Công nghệ) có chức năng giới thiệu, quảng bá các tiến bộ khoa học công nghệ; thiết bị công nghệ mới và sản phẩm mới; sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh Thái Bình.

Tư vấn trong lĩnh vực công nghệ và thị trường công nghệ. Tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động giới thiệu công nghệ và thiết bị. Quản lý, vận hành Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (chợ ảo). Phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, hỏi đáp thông tin về công nghệ và thiết bị. Tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, đào tạo, tập huấn, trao đổi, học tập kinh nghiệm về khoa học công nghệ...

Trong 8 năm hoạt động, Sàn đã thu hút được nhiều lượt khách đến tham quan, trao đổi, tìm kiếm các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Sàn chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn chuyển giao lựa chọn công nghệ, tư vấn về pháp lý, sở hữu trí tuệ. Các thiết bị phục vụ đã lạc hậu không đáp ứng được xu hướng phát triển mới. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tìm ra được hướng đi mới, mô hình hoạt động mới có hiệu quả, thực chất đặc biệt là phải giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm trọng điểm của tỉnh.

Ngày 9/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1765 về cải tạo, sửa chữa Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm tiến hành cải tạo, sửa chữa, trang trí khu trưng bày của Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị. Triển khai việc mua sắm các thiết bị, hình thành điểm giới thiệu, quảng bá, giao dịch các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đến nay, việc sửa chữa, nâng cấp đã hoàn thiện, Sàn đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đi vào hoạt động.

Sau khi được xây dựng, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả; thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khoa học công nghệ, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Bánh cáy là sản phẩm OCOP đặc trưng của Thái Bình

Theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm, Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP, trong đó, 32 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao. Cụ thể: năm 2020 có 17 sản phẩm đạt 4 sao; năm 2021 có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao. Đầu năm 2022, các địa phương đã đăng ký 42 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022.

Trong số các sản phẩm trên, có 2 sản phẩm là đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An và khăn bông Thanh Chất đạt trên 90 điểm, đủ điều kiện để đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia.

Một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên địa bàn toàn quốc như: mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân…

Điều đáng mừng, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, khá nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình xây dựng gian hàng trên nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Voso...

Một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như trà túi lọc thìa canh Thái Hưng, kẹo dồi Trường Thuận, Bánh đa Quỳnh Côi… đã phân phối thành công trên các giao diện trực tuyến, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thời gian qua, hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân. Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, các khu, điểm du lịch được nhiều du khách quan tâm. Người tiêu dùng đã có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Cùng với việc khai trương giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình, UBND các huyện, thành phố được đề nghị thực hiện có hiệu quả đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm trong chương trình OCOP.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/them-kenh-phan-phoi-cho-san-pham-ocop-thai-binh-241873.html