Thêm loạt dự án nhà ở tại Hà Nội được phép bán cho người nước ngoài

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Theo danh sách Sở Xây dựng công bố có 4 dự án nhà ở thuộc quận Hà Đông, 3 dự án thuộc quận Long Biên; các quận, huyện thị xã gồm Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thị xã Sơn Tây, Hoài đức, huyện Gia Lâm đều có 2 dự án; và các quận huyện gồm quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Ba Đình đều có 1 dự án.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã công bố 22 dự án nhà ở thương mại đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội công bố danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu

Hà Nội công bố danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dẫn số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009 - 2019) của Bộ Xây dựng, đã có 5 nghìn dự án nhà ở với 3.774 nghìn căn nhà, thì bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 1.885 nghìn căn nhà. Theo HoREA, số lượng nhà ở mà người nước ngoài có thể đã mua trong 5 năm (2015 - 2020), chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,85% (chưa đến 1%) tổng số nhà ở của các dự án nhà ở thương mại.

Ghi nhận từ thực tế hiện nay, HoREA cho rằng không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua.

Cũng theo HoREA, các chủ đầu tư dự án nhà ở đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn “trần” 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài. Một số dự án đã đạt “trần” 30% thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà (leasing)” dài hạn 50 năm.

Về giới hạn “trần” tỷ lệ nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu trong dự án, HoREA đề nghị vẫn giữ giới hạn “trần” số lượng nhà ở, mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, không nên nới giới hạn “trần” này.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng nêu lên vấn đề, đến nay mới có UBND TP Hà Nội cấp “sổ hồng” cho các trường hợp người nước ngoài mua nhà trên địa bàn thành phố.

Chưa nên cho người nước ngoài sở hữu căn hộ condotel

Vừa qua, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một tòa nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Nêu quan điểm về đề xuất này, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, không nên ảo tưởng sẽ có một làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam thực tế cho thấy giao dịch nhà ở liên quan đến khối ngoại cũng chỉ chiếm chưa đến 1%.

HoREA đề nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, nhà phố du lịch

Hiệp hội cũng lưu ý, việc Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài "mua chui" bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh.

Mới đây, Bộ Công an có báo cáo trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không phát triển thêm các dự án căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA đề nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, nhà phố du lịch. Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư.

Danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu vừa được Sở Xây dựng Hà Nội công bố: XEM TẠI ĐÂY

Thuận Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/23-du-an-o-ha-noi-nha-o-duoc-phep-ban-cho-nguoi-nuoc-ngoai-672100.html