Thêm lực đẩy cho xuất, nhập khẩu tăng tốc

Tận dụng tốt những ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy mạnh cải cách tích cực về môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn là những nhân tố giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm nay vượt mốc 500 tỷ USD.Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu (XK) mới. Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Sớm cán mốc 500 tỷ USD

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công Thương, cho biết bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới năm 2019 có nhiều biến động, kinh tế tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, XK của các nước trong khu vực đều giảm, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ gia tăng. Tuy nhiên, tình hình XNK của Việt Nam có những kết quả tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Kim ngạch sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch XK sang các thị trường đối tác FTA.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được DN tận dụng tương đối tốt khi kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP như sang Canada, Mexico đạt mức tăng cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định trong việc đa dạng hóa thị trường XK.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch XK của cả nước đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã lên tới con số 10,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số ước tính 9,1 tỷ USD trước đó. Đây cũng là mức xuất siêu cao nhất kể từ trước tới nay, là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định với kim ngạch XNK bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau của tháng 12.

XK đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về “chất”

XK đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về “chất”

Những nhân tố đòn bẩy

Để đạt được những con số ấn tượng như vậy, các chuyên gia cho rằng không chỉ là tận dụng được những lợi thế có được từ FTA. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, mang lại môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các DN.

Hiện, Việt Nam đã tham gia 12 FTA - là “sân chơi” lớn cho hàng hóa XK Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo chia sẻ của bà Trang, Bộ Công Thương vừa qua đã triển khai nhiều biện pháp để khi thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất: tổ chức triển khai cam kết, tuyên truyền phổ biến đến các DN để tận dụng các lợi thế từ FTA, hiện đại hóa công tác cấp CO, tạo thuận lợi cho DN...

Ngoài ra, Bộ Công Thương thông tin thị trường kịp thời đến DN, cơ chế chính sách và biện pháp mới mà thị trường XNK đang áp dụng để DN chủ động ứng phó...

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến XK của Việt Nam trong năm vừa qua là việc thực hiện Hiệp định CPTPP từ tháng 1/2019 và đang tích cực vận động cho việc chuẩn bị thực hiện EVFTA với EU.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những cải cách tích cực về môi trường kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến XNK, làm giảm chi phí đáng kể, thời gian của DN trong hoạt động XNK.

Các cơ quan bộ ngành, cộng đồng DN Việt Nam đã chung tay góp phần tích cực tháo gỡ những rào cản đáng kể đối với các mặt hàng XK quan trọng của Việt Nam ở thị trường đối tác.

Ông Dương đánh giá từ năm 2018, “sức sống” của các DN trong nước hoạt động XK đã tốt hơn rất nhiều. Trong 10 tháng đầu năm nay, XK của khu vực DN trong nước đã đạt 2 con số, cao hơn nhiều so với XK của DN có vốn đầu tư nước ngoài.

“Điều này cho thấy các cộng đồng DN trong nước đã ít nhiều có sự thích nghi, có đủ sự linh hoạt tận dụng cơ hội từ bối cảnh thương mại hiện nay. Chúng ta cần tạo dựng năng lực cho DN trong nước để họ tham gia tích cực hơn vào XK. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường liên kết giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý và các chuyên gia nhìn nhận trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài sang năm 2020, bên cạnh những thuận lợi từ các FTA đang mang lại, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức. Sẽ có nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng XK trong thời gian tới.

XK nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng. Nguyên nhân là do nhiều nước có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các nước NK nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Chính vì vậy, để tận dụng hiệu quả các ưu thế từ các FTA, điều quan trọng là các DN phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần cảnh báo, có giải pháp bảo vệ các DN chân chính tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, từ đó tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước NK.

Ông Phạm Tất Thắng -Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại

Đáng mừng là hầu hết các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đều là hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, do vậy dẫu có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì vẫn sẽ giữ đà tăng trưởng XK, đặc biệt sang các nước có FTA. Vấn đề là làm sao để tránh việc bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Theo đó, cơ quan quản lý cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa như sắt thép, gỗ dán, xe đạp điện, lốp ô tô, nhôm, gạch men, hàng dệt may… nhằm tránh gian lận xuất xứ tận dụng các FTA.

Ông Ngô Chung Khanh -Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Các DN trong nước đang tận dụng khá tốt các FTA, thể hiện qua con số XNK tăng trưởng sau 11 tháng khá cao và dự báo trong năm nay sớm chạm mốc 500 tỷ USD. Đáng chú ý, tuy khối DN đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng XNK lớn (gần 70%) nhưng tốc độ tăng trưởng các mặt hàng trong khu vực này không cao (như điện thoại, linh kiện điện thoại chỉ tăng trưởng hơn 5%). Trong khi đó, khối DN trong nước như dệt may, da giày, đá quý, đồ gỗ… đã có sự tăng trưởng mạnh, ở mức 2 con số.

Ts. Ngô Trí Long -Chuyên gia kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, biến động và nhiều bất lợi cho các hoạt động thương mại, XK của nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN có dấu hiệu “dậm chân tại chỗ” hoặc đi xuống thì mức tăng trưởng của Việt Nam là đáng ghi nhận và thể hiện xu hướng tích cực của XK nước ta dù có “sóng to, gió lớn”.

Theo Thanh Hoa/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/them-luc-day-cho-xuat-nhap-khau-tang-toc/20191216043511757