Thêm mối lo về loài ngoại lai gây hại mới

Khi những con tôm hùm đất được các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc kiểm tra kiểm soát, tạm lắng xuống, nông nghiệp nước ta lại đón nhận thông tin không vui về việc xuất hiện loài sinh vật ngoại lai gây hại mới - sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda).

Sâu keo mùa thu gây hại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Linh Hương

Thiệt hại lớn

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), loài sâu keo mùa thu đã có mặt tại Việt Nam và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện nay, các tác động chủ yếu của loài sâu keo mùa thu đến cây trồng nông nghiệp.

Trước diễn biến khó lường của loài sâu này, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo của toàn ngành kiểm dịch thực vật từ tháng 2/2019 đối với các biện pháp ngăn ngăn ngừa sự du nhập, theo dõi, giám sát và phòng trừ loài sâu keo mùa thu.

Tuần qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã thống kê, địa phương này có khoảng 3.380ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nằm trong địa bàn của tất cả các huyện, thị xã, thành phốtrong toàn tỉnh Điện Biên với mật độ phổ biến là 1 - 4 con/m2, mật độ cao 10 - 15 con/m2. Do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh cùng với sự phát triển tàn phá của sâu keo nên càng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho cây ngô. Trước khả năng lây lan nhanh và phức tạp của lời sâu keo mùa thu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) và UBND các huyện, thị, thành phố tuyên truyền đến người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi nương ngô để sớm phát hiện và xử lý kịp thời sâu keo.

Còn tại Quảng Trị, theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô ở huyện Vĩnh Linh với 4,2 ha, mật độ phổ biến 4 con/m2, nơi cao 8 con/m2, cục bộ có nơi 10 con/m2. Vì vậy, khả năng gây hại của sâu keo mùa thu trong thời gian tới là rất lớn.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, địa phương đã phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện trên địa bàn huyện Lắk và đã gây hại trên 400 ha tại các xã Krông Nô, Đắk Nuê, Ea R'bin.

Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Bình Thuận cũng xác nhận, trên địa bàn đã xuất hiện sâu keo mùa thu hại ngô trên địa bàn huyện Đức Linh. Qua kiểm tra đồng ruộng ngô trên địa bàn xã Đa Kai, huyện Đức Linh đã phát hiện đối tượng sâu keo mùa thu gây hại trên các trà bắp giai đoạn 6 - 9 lá và giai đoạn trổ cờ, với diện tích 10 ha, mật độ chủ yếu 4 - 8 con/m2, cá biệt có những nơi mật số trên 8 con/m2. Tại thời điểm kiểm tra, sâu keo mùa thu chủ yếu ở giai đoạn từ tuổi 3 đến tuổi 6.

80 loài thực vật là nạn nhân

Loài sâu keo mùa thu, tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, đây là một loài bướm đêm trong họ Noctuidae. Loài côn trùng bộ cánh vảy này ăn số lượng lớn trên lá và thân của hơn 80 loài thực vật, gây thiệt hại lớn không chỉ cho các loại cây trồng quan trọng về kinh tế như ngô, lúa, lúa miến và mía mà còn gây thiệt hai cho các loại cây trồng và bông khác.

Loài này đã nhiều lần bị hệ thống kiểm dịch ngăn chặn tại châu Âu và lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện ở châu Phi vào năm 2016, nơi nó đang gây thiệt hại đáng kể cho cây ngô và có tiềm năng lớn để lan rộng hơn và gây thiệt hại kinh tế nặng nề hơn.

Loài sâu keo mùa thu thường gây hại trên cây ngô, tuy vậy, có thể gây hại trên 80 loài cây trồng khác, bao gồm lúa, lúa miến, kê, mía, cây rau và bông. Theo thông tin của Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế (CABI), loài này có tác động bất lợi lớn đến kinh tế. Ở Nicaragua, van Huis đã cho thấy năng suất ngô tăng 33% khi cây được bảo vệ bằng thuốc trừ sâu. Sự phá hoại trong giai đoạn giữa đến cuối giai đoạn phát triển của ngô đã gây ra tổn thất năng suất 15 - 73% khi 55 -100% cây bị nhiễm S. frugiperda. Sâu keo S. frugiperda dường như gây hại nhiều hơn cho ngô ở Tây và Trung Phi so với hầu hết các loài Spodoptera châu Phi khác.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo, ngoài việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ sâu keo nhằm bảo vệ mùa màng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, khi các tổ chức, cá nhân phát hiện các ghi nhận tác động của loài này đến đa dạng sinh học cần kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng để có các biện pháp kiểm soát, diệt trừ phù hợp.

Phương Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/them-moi-lo-ve-loai-ngoai-lai-gay-hai-moi-1269851.html