Thêm một bước lùi trong quan hệ Mỹ-Cuba

Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton với Cuba, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Cuba. Đây được coi là nấc thang căng thẳng mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Havana.

Điều luật gây tranh cãi

Luật Helms-Burton, được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ban hành năm 1996, đã trở thành một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận kinh tế - tài chính - thương mại của Mỹ chống Cuba. Điều khoản 3 của luật này cho phép các công dân Cuba có tài sản đã được chính quyền cách mạng quốc hữu hóa từ sau năm 1959, sau khi nhập quốc tịch Mỹ được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ đòi các doanh nghiệp, của Cuba hay nước ngoài, phải bồi thường nếu sử dụng các tài sản bị tịch biên đó qua những thỏa thuận với Chính phủ Cuba. Do tính chất pháp lý phức tạp, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả Tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn điều luật này đều miễn áp dụng Đề mục III theo thời hạn 6 tháng.

Tuy nhiên, tháng Một vừa qua, việc Tổng thống Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày thay vì 6 tháng, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét thúc đẩy điều khoản 3 của Luật Helms-Burton đã bắt đầu làm dấy lên các nghi ngại về việc Washington lần đầu tiên áp dụng biện pháp cứng rắn và phức tạp này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký miễn áp dụng điều 3 Luật Helms-Burton trong vòng 45 ngày thay vì 6 tháng như trước. (Nguồn: AP)

Tiếp đó, tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington sẽ tiếp tục hoãn áp dụng Đề mục III của Luật Helms-Burton thêm 30 ngày, nhưng đã cho phép các công dân Mỹ gốc Cuba được khởi kiện các doanh nghiệp Cuba nằm trong một danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa ra từ tháng 11/2017. Danh sách này bao gồm các doanh nghiệp và chi nhánh liên quan tới an ninh và quốc phòng của Cuba, bao gồm từ Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng, Lực lượng cảnh sát cách mạng quốc gia, cho tới Đặc khu phát triển Mariel hay hải cảng Havana. Danh sách này thường xuyên được Washington cập nhật, chủ yếu nhắm vào các khách sạn và cơ sở du lịch của Cuba.

Gia tăng sức ép

Ngày 17/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Cuba liên quan việc hỗ trợ Venezuela. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố điều khoản gây tranh cãi trong Luật Helms-Burton năm 1996 sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5 tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Luật Helms-Burton sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5.

Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính sau khi điều khoản này được kích hoạt, sẽ có hàng trăm nghìn đơn kiện với giá trị hàng chục tỷ USD được đệ trình. Tuy các tòa án tại Mỹ không thể quyết định các vấn đề của Cuba, nhưng việc cho phép các vụ kiện này diễn ra sẽ khiến các nhà đầu tư cuối cùng phải từ bỏ hy vọng làm ăn tại Cuba.

Cố vấn An ninh cấp cao Mỹ John Bolton cũng thông báo chính phủ Mỹ bổ sung 5 cá nhân và thực thể mà Washington cho là có quan hệ với các cơ quan tình báo và quân đội Cuba vào danh sách trừng phạt, trong đó có hãng hàng không Aerogaviota. Washington cũng đề ra những biện pháp mới nhằm hạn chế đi lại và hoạt động chuyển tiền của kiều dân Cuba tại Mỹ cho người nhà ở quê hương (ở mức 1.000 USD/người/quý) cũng như một số thay đổi nhằm chấm dứt việc sử dụng các giao dịch có thể cho phép Havana “né” các lệnh trừng phạt, tiếp cận ngoại tệ mạnh.

Các chuyến đi của công dân Mỹ tới Cuba không phải lý do thăm thân cũng bị hạn chế. Các quy định hiện hành cấm người dân Mỹ sang Cuba theo diện du lịch, song có thể đến đảo quốc này theo 12 hạng mục, trong đó có giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên, quy định mới của chính quyền Mỹ sẽ gây khó dễ cho các hãng hàng không và các công ty khai thác dịch vụ du thuyền từ Mỹ sang Cuba. Các biện pháp này đã đảo ngược các chính sách hàn gắn trước đó của cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Bolton cho rằng, những chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ tiền nhiệm là "đáng tiếc" và chính quyền Washington hiện nay muốn "sửa lỗi lầm này".

Cuba không khuất phục

Vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thông báo Washington chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton, Chính phủ Cuba khẳng định Luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribbean này.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel cùng Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cũng đã phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nước này, trong đó việc siết chặt việc đi lại giữa hai nước.

Theo báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, trên tài khoản Twitter, Chủ tịch Diaz-Canel đã lên án các biện pháp gây sức ép mới của Mỹ nhằm vào Cuba, đồng thời khẳng định Havana kiên định lập trường của mình. Ông tuyên bố người dân Cuba sẽ không chịu khuất phục và không chấp nhận những đạo luật liên quan đến nước này mà không dựa trên Hiến pháp Cuba.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố người dân Cuba sẽ không khuất phục. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Rodriguez khẳng định nếu chính quyền Mỹ đã quyết định đối đầu, người dân Cuba sẽ kiên quyết bảo vệ đất nước của mình. Quan chức ngoại giao Cuba nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ gây tổn hại cho người dân cả hai nước, ảnh hưởng việc đi lại giữa hai nước.

Đảo ngược nỗ lực hàn gắn

Thực tế cho thấy, không phải đến thời điểm này mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba mới có chiều hướng xấu đi. Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017 đến nay, Washington đã nhanh chóng bãi bỏ một số chính sách hợp tác với Cuba, báo hiệu những sóng gió của mối quan hệ này trong tương lai.

Việc Mỹ ngừng các dịch vụ lãnh sự thông thường tại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và chuyển sang Mexico, trục xuất 15 nhân viên Đại sứ quán Cuba tại Mỹ đồng thời quyết định rút về nước vĩnh viễn 60% số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Havana liên quan đến "sự cố sóng âm" ở Đại sứ quán Mỹ tại Cuba, công bố một loạt biện pháp thắt chặt cấm vận của Mỹ chống Cuba, siết chặt hoạt động đi lại, nghiêm cấm tổ chức và công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh Cuba, dừng mọi hoạt động giao lưu nhân dân,... là những bước đi đảo ngược lại nỗ lực hàn gắn quan hệ với đảo quốc Caribbean này của người tiền nhiệm Obama.

Mỹ đã ngừng các dịch vụ visa thông thường tại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. (Nguồn: EFE)

Không chỉ là bước lùi trong quan hệ Mỹ - Cuba, giới phân tích còn cho rằng việc Mỹ tuyên bố chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton với Cuba sẽ dẫn tới sự hỗn loạn về pháp lý, “chọc giận” các đồng minh châu Âu tại Mỹ và Mỹ Latin, vốn đang đẩy mạnh quan hệ thương mại với Cuba.

Quyết định đình chỉ Điều 3 Luật Helms-Burton của Mỹ với Cuba đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Trong một tuyên bố chung ký cùng Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 17/4, hai quan chức EU cho rằng quyết định đình chỉ điều 3 luật Helms-Burton với Cuba của Mỹ là trái với luật pháp quốc tế.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước này “cực kỳ thất vọng” với quyết định chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton với Cuba của Washington và sẽ xem xét mọi sự lựa chọn để đáp trả hành động này. Theo bà Freeland, Chính phủ Canada đã liên lạc với các doanh nghiệp nước này đang làm ăn tại Cuba để “trấn an” và khẳng định sẽ bảo vệ “toàn bộ những lợi ích của công dân Canada có quan hệ thương mại và đầu tư hợp pháp tại Cuba”.

Thậm chí theo nhận định của các chuyên gia việc Mỹ tuyên bố chấm dứt đình chỉ điều 3 Luật Helms-Burton với Cuba còn kéo theo loạt vụ kiện Washington tại WTO, đặc biệt là các vụ kiện từ phía EU, bởi liên minh này và Mỹ từng ký kết thỏa thuận năm 1998 nhằm dung hòa sự khác biệt về chính sách hai bên trong vấn đề Cuba. Theo thỏa thuận này, Mỹ miễn trừ nhất quán các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cuba với các công ty và công dân EU, đổi lại, khối này sẽ không đưa vụ việc ra trước WTO.

Thanh Lâm

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-mot-buoc-lui-trong-quan-he-my-cuba-92210.html