Thêm một ca mắc bệnh bạch hầu tử vong

Đây là ca tử vong thứ 2 trong tổng số 24 ca mắc bệnh bạch hầu được ghi nhận ở Việt Nam từ đầu năm đến nay. Trước đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, ho, đau họng và chưa tiêm ngừa bạch hầu.

Chiều 3-7, TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, sau thời gian nỗ lực hồi sức và điều trị, bé trai G.A.P. (13 tuổi), dân tộc H’Mông, ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã tử vong.

Đây là ca tử vong thứ 2 trong tổng số 24 ca mắc bệnh bạch hầu được ghi nhận ở Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhi G.A.P. đã tử vong chiều 3-7 do bệnh bạch hầu ác tính. Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cung cấp

Bệnh nhi G.A.P. đã tử vong chiều 3-7 do bệnh bạch hầu ác tính. Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cung cấp

Bé P. vào bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Trước đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, ho, đau họng và chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, đến ngày thứ 6, bệnh nhi P. vẫn chưa được dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu do tình trạng thuốc khan hiếm.

Đến ngày thứ 7, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM lên Đắk Lắk hỗ trợ. Qua hội chẩn, các chuyên gia nhận định bé mắc bạch hầu ác tính, biến chứng tim, rối loạn nhịp và suy giảm chức năng co bóp tim. Bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim ngay trong đêm.

Sáng 26-6, tình trạng bệnh nhi tiếp tục diễn tiến xấu, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi P. về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM theo dõi, điều trị. Từ khi nhập viện đến nay, tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu. Các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị rối loạn nhịp, suy giảm chức năng co bóp tim, viêm cơ tim nặng, men tim tăng cao. Kết quả siêu âm tim cho thấy cơ tim nhão. Phân suất tống máu EF chỉ còn 40% (phân suất tống máu bình thường của người Việt Nam khoảng 63 ± 7%).

Sáng nay (3-7), bệnh nhi tỉnh táo nhưng diễn tiến rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim nặng hơn, suy thận mức độ vừa. Bệnh nhi không đáp ứng với các loại thuốc vận mạch liều cao, tim co bóp rất yếu, nhiều vùng cơ tim loạn động. Đầu giờ chiều cùng ngày, bệnh nhi tử vong. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do mắc bạch hầu được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.

Trước đó, ngày 20-6, khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, tiếp nhận bé gái 9 tuổi (người H’Mông), ngụ huyện Đắk Glong, Đắk Nông, bị bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau 2 giờ cấp cứu, bé gái này đã không qua khỏi.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, có thể gây chết người và chưa được loại trừ ở Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin cho trẻ đúng lịch. Người lớn có thể tiêm nhắc lại vắc xin TD (uốn ván - bạch hầu), 5 năm/ 1 lần.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/them-mot-ca-mac-benh-bach-hau-tu-vong-670859.html