Thêm một di tích đình cổ kêu cứu

Sau sự việc đình Lương Xá (xã Liên Bạt, Quốc Oai, Hà Nội) bị phá dỡ đi xây dựng mới hoàn toàn với bê tông cốt thép, thì một ngôi đình di tích cấp Bộ nữa lại phải kêu cứu vì quá xuống cấp. Đó là đình Do Nghĩa (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

Nhiều kết cấu gỗ đã mục nát (ảnh trích từ video của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình).

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Tạp chí Mỹ thuật) cho biết, đình Do Nghĩa xuống cấp nặng bởi hệ thống mái bị thủng, có nhiều chỗ hở cho nên khi trời mưa, toàn bộ cột, vì kèo bị ngấm nước mưa, lâu dần các kết cấu gỗ bị mốc, mủn ra và mục dần. Đây là hệ thống chịu lực của cả bộ mái đình, cho nên nếu để lâu sẽ có nguy cơ sập toàn bộ.

Ông Nguyễn Đức Bình cho biết: “Hồi đầu tháng 8, chúng tôi có về thăm đình Do Nghĩa. Trời nắng nhưng nước đọng trên mái đình vẫn ngậm nước tí tách rơi xuống nền đình. Trong đình rất nhiều chỗ dột, từ các đầu cột dột xuống. Mái đình có nhiều lỗ thủng. Hiện tượng nước ngấm nhiều và lan khắp các xà”.

Nước ngấm vào các cột gỗ, lâu ngày gây mủn.

Nhà nghiên cứu cũng cho biết, tại một số đầu cột sát mái, nước thấm sâu vào trong thớ gỗ, gây mục, mủn các mộng và rất có thể đình đổ lúc nào không biết bởi những vị trí đó là vị trí chịu lực của cả bộ mái đình. Ngoài ra hệ thống xà, rường của đình bị mục rất nặng, chính vì vậy khi gặp nước các kết cấu gỗ càng nhanh mủn. Hầu hết các thành phần kết cấu của đình đều bị mốc.

Đình Do Nghĩa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, nằm trên một gò đất cao của làng Do Nghĩa, thờ Đại Hải Long Vương cùng thời với Tản Viên Sơn Thánh phụng sự triều đại Hùng Vương.

Phía trước Đình là Đầm Sủng, là nơi tụ hội vui chơi với trò “bơi thi bắt vịt” nổi tiếng của dân làng trong những ngày lễ hội.

Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với tòa đại bái và hậu cung. Sàn đình bằng gỗ lim. Cổng đình gồm một cửa chính, hai cửa phụ làm theo lối chồng diêm tám mái bốn đao, mái cong, được trang trí bằng những con giống với các đường diềm, đường nét hoa văn rất đẹp.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: kiệu bát cống (trang trí nghệ thuật thời Lê thế kỷ 18), kiệu văn (trang trí nghệ thuật thời Nguyễn), bộ chấp kích, giá văn chạm nổi Rồng chầu mặt nguyệt, chân đế đục chạm hình Rồng, yên ngựa, đẳng ghế dài trang trí chạm thủng hình long ly quy phượng, một cuốn ngọc phả 16 đạo sắc phong từ thời Lê Cảnh Hưng đến thời Nguyễn.

Đình Do Nghĩa được công nhận là di tích cấp Bộ ngày 27-12-1990.

Nếu những hư hại ở đình Do Nghĩa không sớm được khắc phục, thì một di sản quý giá lại tiếp tục có nguy cơ đi vào dĩ vãng, như trường hợp đình Lương Xá.

* Nhiều việc cần làm ngay để chống xâm phạm di tích

* Ứng xử văn hóa với di tích

* Đình chỉ trùng tu đình cổ Lương Xá 300 năm tuổi

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37242402-them-mot-di-tich-dinh-co-keu-cuu.html