Thêm một gia đình ngộ độc tập thể vì ăn nấm dại: Chuyện cũ nhưng không cũ

Mặc dù các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc nấm, nhưng nhiều người vẫn nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc do thói quen hái nấm dại về ăn. Đơn cử vừa qua là vụ ngộ độc nấm khiến 3 người trong 1 gia đình phải đi cấp cứu, trong đó 1 người đã tử vong do suy gan nặng.

Suy gan vì ngộ độc nấm

Vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc do hái nấm rừng về ăn. Cụ thể, theo thông tin từ các bác sĩ cung cấp, vợ chồng chị Vũ Thị T (40 tuổi, quê Sơn La) cùng một vài người vào rừng hái nấm có màu nâu trắng về chế biến món ăn cho gia đình trong bữa cơm chiều. Đến sáng hôm sau, ba thành viên trong gia đình gồm chồng, chị T và con dâu (những người ăn nấm) có biểu hiện đau bụng, nôn và mệt nhiều. Từ Bệnh viện huyện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện tỉnh Sơn La. Tại đây, do tình trạng suy gan quá nặng nên chồng chị T đã tử vong. Chị T và con dâu được kịp thời chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

TS. BS Nguyễn Tiến Dũng, người trực tiếp điều trị cho hai mẹ con chị T cho biết: “Bệnh nhân T bị nhiễm độc gan nặng. Hiện nay, Trung tâm đang áp dụng các biện pháp khác nhau để thải độc, truyền thuốc thải độc, hồi sức, kể cả cùng lúc lọc máu bằng nhiều biện pháp khác nhau cho bệnh nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, một trong hai bệnh nhân có tiến triển tốt hơn nhưng cũng chưa dám nói trước điều gì, bệnh nhân còn lại vẫn trong tình trạng rất nặng”.

Hình ảnh cây nấm độc tán trắng trưởng thành.

Hình ảnh cây nấm độc tán trắng trưởng thành.

Được biết, thống kê mỗi năm, Trung tâm Chống độc tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Điều trị ngộ độc nấm chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.

Theo ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, thông thường, ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa xuân, bởi vì khoảng thời gian này sau những đợt mưa xuân, các loại nấm phát triển mạnh mẽ. Nhưng lác đác trong năm, vẫn có những ca bệnh nhân ngộ độc nấm. Và trường hợp ngộ độc tập thể trên là một minh chứng điển hình. Bác sĩ Nguyên phân tích, ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn. Mặc dù trong những năm qua, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng rất nhiều lần song thông tin đến bà con vùng xa vẫn rất khó khăn, họ hầu như ít hoặc chưa hề được tiếp cận thông tin về các loại nấm gây độc.

Bên cạnh đó, do tập quán đi rừng hái rau, nấm về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có độc, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc. Từ đó gây nên những hậu quả hết sức nặng nề, hơn một nửa gia đình hoặc thậm chí có trường hợp gần như cả nhà tử vong vì ngộ độc nấm.

Ngay cả chuyên gia cũng khó phân biệt nấm độc

Đối với các bệnh bệnh nhân ăn phải nấm độc, các biểu hiện ngộ độc xuất hiện chậm, thường từ 6 giờ trở lên sau khi ăn. Ngộ độc biểu hiện ba giai đoạn (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón): Giai đoạn 1 thường là các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần; giai đoạn 2 là các biểu hiện tiêu hóa đỡ hoặc hết (thực ra gan, thận và các cơ quan bắt đầu bị tổn thương, người bệnh và bác sĩ dễ nghĩ là khỏi và cho ra viện); giai đoạn 3 là viêm gan, suy gan, suy thận, hôn mê, chảy máu và tử vong.

Biện pháp sơ cứu: Thường ngộ độc phát hiện muộn khi đã qua nhiều giờ nôn nhiều. Nếu nạn nhân còn tỉnh, uống được thì cho uống nhiều Oresol hoặc nước khoáng, nước quả, nước rau luộc pha muối, sau đó nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị theo phác đồ hiệu quả.

Theo các chuyên gia Y tế, loại nấm thường gây ngộ độc nặng và tử vong ở Việt Nam là nấm độc tán trắng (Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), gây đau bụng, nôn, tiểu chảy nhiều, sau đó viêm gan suy gan, suy thận và tử vong. “Nhóm nấm độc mà triệu chứng gây độc xuất hiện muộn sau sáu giờ đồng hồ khi ăn nấm thì thường “kinh khủng” nhất, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, người bệnh dễ chết trong tình trạng suy đa phủ tạng. Nghĩa là khi đó các chất độc đã vào sâu cơ thể, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như hết tác dụng. Tỷ lệ tử vong thường rất cao tới 50% hoặc có thể hơn. Với các loại nấm gây ngộ độc trước sáu giờ đồng hồ thường chỉ gây triệu chứng ngộ độc nôn, rối loạn tiêu hóa"- bác sĩ Nguyên phân tích.

Bởi vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về các loại nấm là rất quan trọng trong việc giảm thiểu số vụ ngộ độc. Bác sĩ Dũng cho biết, theo đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y, từ năm 2004 - 2017 riêng ở Hà Giang đã xảy ra 33 vụ ngộ độc nấm, khiến 165 người ngộ độc và 24 người tử vong. Kể từ đó, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không ăn nấm hoang dại nên các vụ ngộ độc nấm giảm hẳn và không có ca nào tử vong. Còn tại Cao Bằng, theo nghiên cứu từ năm 2003 – 2009 xảy ra 29 vụ ngộ độc, khiến 81 người ngộ độc, 17 người chết. Nghiên cứu cũng chỉ ra, cùng một loại nấm chứa độc tố amatoxin, nhưng nấm ở mỗi vùng lại có đặc điểm khác nhau. Với những nấm chứa độc tố amatoxin thì chỉ cần người dân ăn một cái nấm là đã bị ngộ độc. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm trên cũng cao. Chất độc amatoxin cũng rất bền vững trong nhiệt độ, nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố.

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết: Trên thực tế có hàng nghìn loại nấm, trong đó, số loại nấm độc không nhiều. Tuy nhiên, để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, ngay cả chuyên gia cũng có thể nhầm. Vì vậy, người dân hái nấm hoang ăn rất dễ bị ngộ độc. Bởi vì trong một vài giai đoạn phát triển có một số loại nấm giống nhau. Và không phải cứ nấm có màu trắng là nấm không độc như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”, song trên thực tế các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng khác ăn.

“Bởi vậy, để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại ăn. Và có lẽ chỉ có loại nấm mọc hoang dại duy nhất mà người dân có thể yên tâm ăn là mộc nhĩ”, bác sĩ Nguyên nói. Và khi ăn phải nấm độc, người dân cần gây nôn ngay lập tức bằng cách uống nhiều nước, sau đó dùng bàn chải đánh răng đánh sâu vào lưỡi để gây nôn. Sau đó tiếp tục đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với những bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm có thể vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện huyện. Còn các bệnh nhân ngộ độc nấm triệu chứng muộn (sau 6 giờ), cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có các trang thiết bị để lọc máu kịp thời.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/them-mot-gia-dinh-ngo-doc-tap-the-vi-an-nam-dai-chuyen-cu-nhung-khong-cu-93263.html