Thêm một góc nhìn về văn xuôi Việt Nam hiện đại

Văn xuôi hiện đại Việt Nam là một chủ đề lớn, một đối tượng nghiên cứu lớn của khoa học văn học (lịch sử, lý luận và phê bình).

Đóng góp thêm một cái nhìn tổng quan về văn xuôi Việt Nam hiện đại, PGS, TS Lê Tú Anh (giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa) đã ra mắt tập tiểu luận-phê bình đáng chú ý “Văn xuôi Việt Nam hiện đại, khảo cứu và suy ngẫm” (NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2018).

6 năm trước, PGS, TS Lê Tú Anh đã cho in chuyên luận “Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930” (NXB Khoa học xã hội) tập trung về thể loại tiểu thuyết thời kỳ mới hình thành ở đầu thế kỷ XX. “Văn xuôi Việt Nam hiện đại, khảo cứu và suy ngẫm” nối tiếp mạch nghiên cứu văn học sử văn xuôi đầu thế kỷ XX, đồng thời còn mở rộng thời gian nghiên cứu thêm văn xuôi đương đại và cả đề tài mới như tự truyện, truyện ngắn, phê bình văn học…

Phần I cuốn sách chiếm hơn một nửa dung lượng hơn 450 trang của toàn bộ cuốn sách tập trung nghiên cứu “Một số vấn đề văn học sử đầu thế kỷ XX”. Tác giả đã thể hiện hai phẩm chất cần có và đáng quý của một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, đó là: Sưu tầm, đọc tư liệu lịch sử và văn bản kỹ lưỡng; khả năng khái quát những luận điểm, đưa ra những nhận định sắc bén.

Văn học trong nhà trường trước đây chủ yếu tập trung giảng dạy phân tích văn xuôi thời kỳ 1930-1945, bởi đây là thời kỳ kết tinh đỉnh cao của văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam trên bước đường hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa đó dưới ảnh hưởng của văn học Âu Mỹ, cụ thể là văn học Pháp khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX dần thoát khỏi nghệ thuật, tư tưởng văn xuôi trung đại. Văn xuôi giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1930 viết bằng chữ Quốc ngữ đã manh nha hiện đại hóa bằng cách phóng tác tiểu thuyết phương Tây (“Cha con nghĩa nặng”, “Khóc thầm” của Hồ Biểu Chánh, “Giọt lệ sông Hương” của Vũ Đình Chí…); nhưng vẫn còn đó mô phỏng truyện Nôm (“Phan Yên ngoại sử” của Trương Duy Toản, “Tô Huệ Nhi ngoại sử” của Lê Hoằng Mưu…) và hình thức tiểu thuyết chương hồi (“Hưng Đạo Vương” của Phan Kế Bính, “Giọt máu chung tình” của Võ Nghi Lập, “Nặng lời non nước” của Phan Đại Tâm…). Chính buổi đầu chập chững của văn xuôi hay dở lẫn lộn và dường như bị giảm sút giá trị theo thời gian và sự thay đổi thời cuộc, thị hiếu độc giả nên các tác phẩm này ít được chú ý. PGS, TS Lê Tú Anh bằng nguồn tư liệu đáng tin cậy, toàn diện đã dựng lên một thời kỳ văn chương sôi động khi người ta đua nhau viết văn, văn chương bắt đầu được in ấn trở thành sản phẩm văn hóa cao cấp… Tất nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là những nhận định sắc sảo, thể hiện sự suy tư lâu dài nghiêm cẩn về giai đoạn văn học từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1930 với những thời kỳ trước và sau đó. Chẳng hạn, tiểu thuyết thời kỳ này đã bước đầu kể chuyện từ ngôi thứ nhất như là phương cách để nhà văn khám phá sâu sắc hơn đời sống. Việc lược bỏ được người kể trực tiếp (người dẫn chuyện) làm cho văn phong trở nên gọn nhẹ và hiện đại hơn, đồng thời cũng lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Mặt khác, khoảng cách về giá trị giữa người trần thuật và nội dung trần thuật bị xóa bỏ, tác phẩm miêu tả hiện thực như cái hiện tại của người trần thuật. Tác giả nhấn mạnh: Đây cũng là một đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại.

Từ một ví dụ trên, chúng ta sẽ thấy sự cần thiết phải nghiên cứu văn xuôi nói riêng và văn chương nói chung ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1930 với lý do sẽ làm sáng tỏ thêm một giai đoạn quan trọng trong tiến trình văn chương Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Giai đoạn này có những bước thay đổi hệ hình rất quan trọng từ một nền văn học trung đại viết bằng chữ Hán, Nôm sang văn chương Quốc ngữ. Không chỉ là thay đổi phương tiện biểu đạt mà còn là tư duy nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ, cái nhìn thế giới và con người… Đây mới chính là những phương diện phản ánh sự hiện đại hóa của một nền văn học và để lại bài học về quá trình hiện đại hóa để có thể dự báo những bước chuyển mình của văn học những giai đoạn sau. Đó là chưa kể đến việc văn học thời kỳ này tương ứng với quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa ở nước ta, chứa đựng tài liệu lịch sử xã hội, tâm lý con người rất đáng giá.

Phần II cuốn sách “Một số vấn đề của văn xuôi Việt Nam đương đại” tập trung nghiên cứu các tác phẩm văn xuôi, chủ yếu là tiểu thuyết được đánh giá cao từ đầu thế kỷ XXI, như: “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “T. mất tích”, “Paris 11 tháng 8” của Thuận… PGS, TS Lê Tú Anh đã sử dụng nhiều lý thuyết trường phái phê bình văn học nước ngoài để phân tích, làm rõ được ý nghĩa sâu thẳm của tác phẩm. Để làm tốt công việc này, nhà phê bình đương nhiên phải hiểu sâu lý thuyết, đồng thời vận dụng thích hợp vào những tác phẩm phù hợp. Trường hợp tiểu thuyết “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, PGS, TS Lê Tú Anh sử dụng lý thuyết văn học chấn thương để lý giải hành trình tâm lý nhân vật, sự logic cốt truyện, thủ pháp của tác giả trong sử dụng ngôn ngữ… Nhờ bài viết này, độc giả có thêm một góc nhìn, lý giải sâu hơn giá trị tác phẩm; như vậy, có thể xem là bước thử thành công trong ứng dụng lý thuyết vào phê bình.

Trong lời đầu sách, tác giả cũng đã nêu rõ cuốn sách là tập hợp các công trình nghiên cứu đã được in trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, trong các kỷ yếu hội thảo khoa học, các tạp chí khoa học của một số trường đại học… nên cảm giác của sự tản mạn là không tránh khỏi, mặc dù, tác giả cố gắng tập hợp các bài viết theo các đề tài trọng yếu. Cuốn sách sẽ thành công hơn và thuyết phục hơn nếu bổ sung một vài bài viết để làm rõ mối tương quan và khác biệt giữa hai giai đoạn hiện đại hóa để trực tiếp trả lời những câu hỏi như: Vì sao tiểu thuyết Việt Nam kém thành tựu hơn so với truyện ngắn và thơ? Những câu hỏi đó hy vọng sẽ được tác giả trả lời ở những bài viết và cuốn sách tiếp theo.

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/them-mot-goc-nhin-ve-van-xuoi-viet-nam-hien-dai-546432