Thêm một lát cắt về FDI

Trong thông cáo báo chí về kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017, tại phần về doanh nghiệp và hợp tác xã, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tính bình quân cho một doanh nghiệp và cho rằng thuế và các khoản nộp ngân sách của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt cao nhất. Khi nhìn vào con số cụ thể thì thấy tăng trưởng về doanh thu thuần bình quân giai đoạn 2011-2016 của khu vực DNNN và doanh nghiệp FDI là 19%, trong khi tăng trưởng về doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 12%; tăng trưởng về lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2011-2016 của khu vực FDI là cao nhất (25,5%), tiếp theo là khu vực DNNN 21%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 17%.

Thủ phạm chính của ô nhiễm không khí lại được ưu đãi về thuế, rồi tất cả các thành phần kinh tế và cả người dân phải tăng chi trả thuế bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Thế nhưng, một điều trớ trêu là tăng trưởng về đóng góp vào ngân sách trong giai đoạn này của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lại cao nhất (20,7%), trong khi khu vực DNNN và doanh nghiệp FDI có tăng trưởng về doanh thu thuần và lợi nhuận ấn tượng nhưng tăng trưởng về đóng góp vào ngân sách chỉ là 8,6%. Cũng cần chú ý thêm rằng, trong các khoản thuế nộp ngân sách bao gồm thuế gián thu và trực thu, các khoản thuế gián thu là do người tiêu dùng nộp thông qua doanh nghiệp. Như vậy, nếu chỉ tính các khoản thực sự doanh nghiệp nộp ngân sách là thuế trực thu thì tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 20,9% và tăng trưởng về thuế trực thu của khu vực doanh nghiệp FDI chỉ là 7,5%. Một vấn đề rất đáng để lên tiếng là doanh nghiệp FDI làm ăn rất tốt thông qua sự tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu thuần nhưng đóng góp thực sự vào ngân sách rất ít so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Trong vài năm gần đây thành tích xuất khẩu nói chung thì khá nhưng thực chất không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, theo đó từ 1-1-2019 thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Nghiên cứu cho thấy sản xuất hàng xuất khẩu mới là thủ phạm chính dẫn đến phát thải nhà kính (50%), mà doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% trị giá hàng xuất khẩu. Điều này là một nghịch lý khiến người dân Việt Nam tự hỏi tại sao thủ phạm chính của ô nhiễm không khí lại được ưu đãi về thuế, rồi tất cả các thành phần kinh tế và cả người dân phải tăng chi trả thuế bảo vệ môi trường để bù vào sự hụt thu do chi thường xuyên (trên 70% tổng chi), do trả nợ, do giảm thuế theo các hiệp định thương mại, do ưu đãi… cho chính khu vực doanh nghiệp FDI. Tính thuế bảo vệ môi trường vào giá xăng là tăng thu từ dân, bất kỳ ai tham gia giao thông đều phải trả thuế này, do đó, đây là cách làm dễ nhất trong các cách tăng thu ngân sách khác. Cách dễ nhất này cũng là cách tiềm ẩn nhiều rủi do cho nền kinh tế nhất bởi nó có tác động hàng loạt đến cả khâu sản xuất và sử dụng cuối cùng, nó không chỉ khiến chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mà còn khiến giá trị tăng thêm của tất cả các ngành trong nền kinh tế giảm, từ đó kéo giảm GDP ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Trong thông cáo báo chí nói trên của TCTK, phần “Dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài” chỉ tính đến những doanh nghiệp có hợp đồng gia công trực tiếp với nước ngoài. Đối với những đơn vị loại này, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Nếu tính chung khoản nhập khẩu này với khoản nhập khẩu cho tiêu dùng chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu, 80% kim ngạch nhập khẩu còn lại là cho sản xuất. Như vậy, thật ra dù có ký các hợp đồng gia công trực tiếp hay không thì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là làm gia công.

Chỉ riêng các doanh nghiệp làm gia công trực tiếp với nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công. So sánh những con số này với con số nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các doanh nghiệp FDI là 16,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu, sẽ thấy mức độ nhập khẩu nguyên liệu cho gia công của khu vực doanh nghiệp FDI cao như thế nào.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279185/them-mot-lat-cat-ve-fdi-.html