Thêm một 'mùa gặt' sáng tác về người lính

Sau hai tuần hoạt động, Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài 'Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng năm 2020' vừa bế mạc đầu tháng 11 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với nhiều tác phẩm ở các thể loại văn học có chất lượng được hoàn thành.

Sau hai tuần hoạt động, Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng năm 2020” vừa bế mạc đầu tháng 11 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với nhiều tác phẩm ở các thể loại văn học có chất lượng được hoàn thành.

Trại sáng tác lần này do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, quy tụ 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học trong và ngoài quân đội tham gia, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ từng nhiều năm mặc áo lính và từng có những tác phẩm văn học tốt viết về người lính như nhà văn Hà Đình Cẩn (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật), nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc (Giải thưởng văn học sông Mê Kông), nhà văn Châu La Việt (Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2009 - 2014), nhà thơ Hoàng Quý (tác giả tập thơ “Ngang qua cánh đồng” được trao giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam).

Với chủ đề “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”, trong 5 năm tổ chức trại vừa qua, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật đã chọn lựa, xuất bản 53 tác phẩm từ hơn 70 bản thảo hoàn chỉnh với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ, trường ca, nghiên cứu phê bình… Riêng tại trại viết vừa qua, đã có 16 bản thảo được hoàn chỉnh, trong đó có 10 tiểu thuyết, một trường ca, hai tập bút ký và truyện ký, ba tập nghiên cứu phê bình văn học. Về tiểu thuyết, có thể kể đến các tiểu thuyết dày dặn của Hà Đình Cẩn (Hòa giải), Nguyễn Ngọc Mộc (Chiều Bình yên), Châu La Việt (Người mẹ và cánh rừng), Nguyễn Thanh Hương (Lửa hậu phương), Duy Hiến (Trăng lạnh), Duy Lưu (Hạ cháy)… Về trường ca là tác phẩm Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc của Hoàng Quý. Nhà văn Châu La Việt sau trường ca Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ, lần này cũng kịp có trường ca Tiếng họa mi trong đạn lửa dày 400 trang về những nghệ sĩ, diễn viên quân đội trong chiến tranh. Về nghiên cứu phê bình văn học, là hai tác phẩm của hai người thầy, cũng là hai nhà nghiên cứu phê bình tên tuổi là Bùi Việt Thắng và Giáo sư Trần Đăng Suyền. Ngoài ra là những tập thơ, tập truyện ngắn, ký sự của các cây bút: Uông Thái Biểu, Đặng Duy Lưu, Nguyễn Thanh Hoàng, Vương Thị Thu Thủy, Phùng Phương Quý, Phạm Vân Anh, Xuân Hùng…

Lý giải cho “mùa gặt” mới của trại sáng tác, ngoài sự quan tâm đầu tư của Tổng cục Chính trị và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, còn là tâm huyết và ước mong đau đáu của các nhà văn từng mặc áo lính đi qua hai cuộc chiến tranh, như chính lời tâm sự của nhà văn Hà Đình Cẩn trong lễ khai mạc trại: Gần cả cuộc đời tôi chỉ dành để viết về người lính mà đến bây giờ vẫn còn đau đáu về những năm tháng ấy. Tuổi đã cao, nhưng khi còn sức viết, tôi vẫn viết về những người lính ấy. Trong những ngày miền trung đang oằn mình vì bão lụt đau thương vừa qua, không ai có thể kìm được lòng mình. Những người lính lại dấn thân vào nơi khó khăn, nghiệt ngã do thiên tai, chấp nhận những hy sinh giữa thời bình. Và tôi chắc chắn rằng, ngay tại trại viết này, chúng tôi, những nhà văn, nhà thơ cũng sẽ là những người chiến sĩ để đem hết tâm huyết của mình viết về họ, về sự hy sinh cao cả của họ cho bây giờ và cho cả mai sau.

HIẾU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/them-mot-mua-gat-sang-tac-ve-nguoi-linh-624967/