Thêm một ngôi vị cho Trung Quốc

Trong khi các nhà lãnh đạo G7 vừa dành 3 ngày cuối tuần vừa qua nhóm họp ở Hiroshima để kêu gọi xoay trục khỏi chuỗi cung ứng rộng lớn của Trung Quốc và tìm cách hạn chế sức mạnh kinh tế đang lên của Bắc Kinh, thì xuất hiện tin tức về cột mốc quan trọng của thị trường: Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.

Soán ngôi Nhật Bản

Số liệu của vừa được công bố cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu 1,07 triệu xe trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 58% so với quý đầu tiên của năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu xe của Nhật Bản chững lại ở mức 954.185 trong cùng quý, sau khi tăng 6% so với một năm trước đó. Một tổ chức trong ngành dự kiến xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng 30% trong cả năm nay lên 4 triệu chiếc.

Nguồn: Asia Times

Nguồn: Asia Times

Thêm một sự khó chịu đối với phương Tây khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lưu ý rằng, kết quả đáng khích lệ trên một phần là nhờ kim ngạch xuất khẩu sang Nga. Trung Quốc đã xuất khẩu gần 30.000 xe sang Nga trong quý I.2023, gần gấp 7 lần khối lượng so với một năm trước đó. Sau Nga, các thị trường xuất khẩu hàng đầu theo thứ tự là Mexico, Bỉ và Ảrập Xêút. Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng các biện pháp trừng phạt toàn cầu đối với Moscow trong cuộc chiến Ukraine đang mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn thay vì tập hợp được mặt trận thống nhất mà Mỹ đã hình dung.

Bản thân Tokyo cũng nhận được cảnh báo rõ ràng của riêng mình. Lý do lớn khác khiến Trung Quốc xuất khẩu nhiều xe hơn Nhật Bản là do nhu cầu về xe điện (EV) đang bùng nổ. Tất nhiên, đây là một thị trường mà Toyota Motor và những gã khổng lồ Nhật Bản khác vẫn còn dè dặt, khiến họ ngày càng trở nên bất lợi và bị tụt lại sau trong cuộc đua thị phần toàn cầu.

Trung Quốc thì khác. Họ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Điều này giải thích tại sao Elon Musk xây dựng “nhà máy khổng lồ” Tesla bên ngoài nước Mỹ đầu tiên của mình ở Thượng Hải chứ không phải Yokohama. Tesla tại Trung Quốc hiện đang trở thành nhà xuất khẩu ô tô năng lượng mới hàng đầu. Khi nhà máy trên bắt đầu hoạt động vào năm 2019, cơ sở này có khả năng sản xuất 250.000 xe mỗi năm. Giờ đây, nhà máy này có thể sản xuất 1,25 triệu chiếc mỗi năm và đã xin giấy phép để tăng công suất lên 1,75 triệu chiếc.

Jorge Guajardo, một đối tác tại Dentons Global Advisors, cho biết: “Đây là những thay đổi lớn của thị trường diễn ra với tốc độ nhanh chóng”. Nhà kinh tế học Jack Gao tại Viện Tư duy kinh tế mới cho biết thêm: “Chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó điều này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra quá nhanh”.

Minh chứng cho những điều chỉnh chính sách

Việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản về xuất khẩu ô tô được cho là cột mốc quan trọng nhất kể từ năm 2011, khi Trung Quốc vượt qua đối thủ khu vực về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự kiện này cũng làm nổi bật những điều chỉnh chính sách mà nhà lãnh đạo số hai của Trung Quốc Lý Cường đã cam kết tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc vừa qua. Hồi tháng 3, ông Lý Cường đã trấn an các nhà đầu tư toàn cầu khi nói rằng: “Chúng ta sẽ tạo lập môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, luật pháp hóa và quốc tế hóa, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp, quyền và lợi ích của doanh nhân”.

Trung Quốc nhìn chung đã chủ động hơn Mỹ hoặc Nhật Bản trong việc khởi động thị trường xe điện thông qua công cụ thuế quan hoặc các ưu đãi khác. Bắc Kinh cũng coi việc xây dựng các trạm sạc trên toàn quốc là một phương tiện để tạo việc làm và tăng trưởng trong các nền kinh tế khu vực. Điều đó hiện đang được đền đáp.

Chỉ riêng trong quý đầu tiên, doanh số bán xe điện và các phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện khác đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái lên 380.000 chiếc. Những chiếc ô tô như vậy chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện tại, các điểm đến hàng đầu cho ô tô năng lượng mới do Trung Quốc sản xuất là Bỉ, Australia và Thái Lan.

Đối với Nhật Bản, mảnh ghép Thái Lan đặc biệt đáng ngại. Mặc dù thường được gọi là “Detroit của châu Á”, Thái Lan từ lâu đã bị thống trị bởi các biểu tượng của Nhật Bản. Nếu các thủ lĩnh Thái Lan quyết định xe điện là lựa chọn sinh lợi hơn, Nhật Bản có thể phải di dời các nhà máy.

Tất cả những điều này cũng sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Detroit, khi các đảng viên Cộng hòa của Mỹ cố gắng đảo ngược các chính sách của Biden nhằm thúc đẩy xe điện và tăng trưởng xanh. Khi thị trường toàn cầu hướng tới xe điện, những chiếc xe tải ngốn xăng của General Motors có thể không đáp ứng được nhu cầu ở nước ngoài so với dòng xe hybrid.

Mối lo ngại của phương Tây

Cột mốc này không khỏi khiến Nhật Bản hay rộng hơn là G7 cảm thấy lo lắng. Đã 14 năm kể từ năm 2009, thời điểm Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho các loại xe mới.

Một câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào mà nước Mỹ, quốc gia đã phát minh ra công nghệ sản xuất ô tô hàng loạt, lại có thể ngủ quên trên tay lái như vậy? Tương tự như vậy, làm thế nào mà Nhật Bản, quốc gia đã tạo ra một một dây chuyền sản xuất tốt hơn, lại có thể đánh mất vai diễn chính một cách nghiêm trọng như vậy?

Nhiều nhà phân tích cho rằng điều đáng chú ý là mối đe dọa từ Trung Quốc, mà G7 rất chắc chắn rằng họ có thể ngăn chặn, chỉ mới bắt đầu trong lĩnh vực ô tô. Trung Quốc vẫn đang nỗ lực tung ra dòng xe điện sản xuất hàng loạt của riêng mình với giá thấp hơn 10.000 USD so với các thương hiệu lớn của phương Tây.

Tuy nhiên, chính G7 đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Trung Quốc dang rộng đôi cánh của mình. Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2.2022, một loạt các hãng sản xuất ô tô của Nhật Bản và các nước G7 khác như Toyota, Volkswagen AG… đã đóng cửa các cơ sở sản xuất của Nga. Rất nhanh chóng, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đã lấp vào chỗ trống này.

Tại Hiroshima vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo G7 đã nhấn mạnh: “Chúng tôi không định tách rời khỏi Trung Quốc hay quay về nền kinh tế của mình. Chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi đa dạng hóa (khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc)”. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro khi G7 nhắm mục tiêu vào các chuỗi cung ứng quan trọng của Trung Quốc để sản xuất ô tô chất lượng cao - một dấu hiệu có khả năng xảy ra nhiều động thái ăn miếng trả miếng hơn giữa G7 và Trung Quốc.

Bất chấp mọi ồn ào, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đang chuyển sang một bánh răng cao hơn nhanh hơn nhiều người mong đợi. G7 có thể cố gắng làm mọi thứ để khiến tiến trình này chậm lại, nhưng Bắc Kinh đang nhắc nhở Nhật Bản và các đồng minh phương Tây rằng Trung Quốc không ngồi yên - và thực sự đang tiến thẳng về phía trước.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/them-mot-ngoi-vi-cho-trung-quoc-i329850/