Thêm nét hấp dẫn cho du lịch Thủ đô

Bơi chải thuyền rồng là một môn thể thao truyền thống, có mặt ở nhiều lễ hội đầu xuân. Với việc tổ chức lễ hội Bơi chải thuyền rồng tại hồ Tây, thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện cho đông đảo công chúng biết đến nét đẹp của môn thể thao này, đồng thời góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Thủ đô.

Hai ngày cuối tuần qua, không khí tại hồ Tây, khu vực đường Thanh Niên - đường Nguyễn Đình Thi, luôn sôi động bởi tiếng trống hội, tiếng hò reo rộn rã khi rất đông khán giả cổ vũ cho các đội đua tham gia Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2019. Đây là lần thứ hai TP Hà Nội tổ chức lễ hội này. Năm 2018, có 27 đội đua, chủ yếu là các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và một số đoàn khách mời, thì năm nay, quy mô lễ hội vượt xa so với lần thứ nhất. Đã có 34 đoàn, với 43 đội tranh tài ở các nội dung: Đua thuyền nam, nữ chuyên nghiệp; đua thuyền nam, nữ phong trào của các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và giải dành cho các cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội. Mỗi đội có 12 tay chèo, một người cầm lái và một người chỉ huy. Trong số các đội tham gia, đáng chú ý, có bốn đội đua thuyền quốc tế, đến từ các nước, vùng có phong trào bơi chải thuyền rồng phát triển, gồm: Lào, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc). Hầu hết các đội trong nước đều đến từ những địa phương có truyền thống đua thuyền rồng như: Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Nẵng... Các đội nam, nữ của giải chuyên nghiệp và phong trào đều trải qua vòng loại, chọn ra những đội xuất sắc nhất để thi đấu chung kết.

Tham gia lễ hội, cho nên yếu tố thắng, thua không được các đội đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, các cuộc đua vẫn diễn ra hết sức quyết liệt, chứa đựng những bất ngờ. Bên cạnh đó, yếu tố đường đua cũng góp phần tạo thêm gay cấn. Xuất phát từ phía vườn hoa Lý Tự Trọng, các đội bơi về phía chùa Trấn Quốc rồi quay đầu. Đích cũng chính là điểm xuất phát, tổng chiều dài của đường đua là 600 m. Nhiều đội đua bứt phá khi di chuyển trên đường thẳng, nhưng rất dễ mắc lỗi khi vòng qua cọc tiêu để quay đầu. Điều đó khiến kết quả mỗi lượt đua trở nên rất khó đoán. Như ở nội dung bơi chải thuyền rồng chuyên nghiệp nam. 12 đội bốc thăm chia làm bốn bảng, đội nhất của mỗi bảng sẽ giành vé vào vòng bán kết. Đội bơi chải thuyền rồng nam đến từ Lào về đích cuối cùng ở vòng loại. Tuy nhiên, càng vào sâu, đội thi đấu càng hay. Khi lọt vào vòng chung kết, các tay chèo đội Lào mới bung sức. Trong cuộc đua vô cùng kịch tính, đội Lào đã vượt qua đội Bình Thuận để bước lên bục chiến thắng, với số tiền thưởng là 100 triệu đồng. Ở nội dung chuyên nghiệp của nữ, những cô gái đến từ Quảng Trị xuất sắc cán đích đầu tiên. Ở nội dung giải phong trào, có chín đội nam, sáu đội nữ đến từ các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa đã đem lại cho khán giả những màn đua tài mãn nhãn. Anh Đặng Văn Hưng (phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa) cho biết: “Được ngày nghỉ tôi đưa các cháu đi xem lễ hội bơi chải thuyền rồng. Đây là lần đầu tiên tôi xem đua thuyền truyền thống. Không ngờ không khí lại vui đến thế. Tôi hy vọng thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội tương tự”. Ngoài hoạt động đua thuyền trên hồ, Ban Tổ chức bố trí nhiều sân khấu biểu diễn âm nhạc truyền thống, xiếc trên đường Thanh Niên tạo không khí vui tươi.

Sau thành công của hai kỳ tổ chức, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định đưa lễ hội Bơi chải thuyền rồng thành hoạt động hằng năm, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm sản phẩm thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Thành phố ấn định thời gian diễn ra lễ hội vào thứ bảy, chủ nhật của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhằm tạo điều kiện để các hãng hàng không, Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp lữ hành thuận lợi trong việc sắp xếp, tổ chức các tua du lịch, gắn với các lễ hội đầu xuân trên địa bàn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39240902-them-net-hap-dan-cho-du-lich-thu-do.html