Thêm ngày nghỉ, tăng tuổi nghỉ hưu: Vì sao ngược ý?

Bởi mỗi bên đại diện cho những lợi ích khác nhau nên theo chuyên gia, điều quan trọng là phải dựa trên thực trạng nền kinh tế để làm chính sách.

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vẫn đang nhận được những ý kiến khác nhau về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tuổi nghỉ hưu...

Mới đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm; đồng ý tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm nhưng phải giảm giờ làm/tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ và lương làm thêm phải lũy tiến.

Đề xuất giảm giờ làm/tuần của Tổng Liên đoàn không nhận được sự đồng tình của VCCI và các doanh nghiệp bởi như vậy sẽ làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh, trong khi năng suất lao động của Việt Nam đang còn thấp.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh, cụ thể nam lên 62, nữ lên 60 nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 99% người lao động được hỏi phản đối tăng tuổi nghỉ hưu.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho rằng, sự ngược ý, mâu thuẫn trong quá trình xây dựng chính sách là bình thường, bởi mỗi cơ quan, đơn vị đại diện cho những lợi ích khác nhau.

Chẳng hạn, Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý hành chính, đứng về phía lợi ích của cán bộ, công chức để nhìn nhận vấn đề nhiều hơn và có những đề xuất mà suy cho chùng, có lợi cho cán bộ, công chức nhiều hơn là người lao động bình thường. Ví như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ này, rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ có lợi cho cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, công chức việc nhàn, lương cao, trong khi đối với lực lượng lao động trực tiếp, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu ra rất khó khăn. Vậy nên 99% số lao động được hỏi đã phản đối tăng tuổi nghỉ hưu, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động.

99% người lao động được hỏi không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa

99% người lao động được hỏi không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn đại diện cho lợi ích của người lao động, nhưng đề xuất giảm giờ làm/tuần lại mâu thuẫn với các doanh nghiệp. Phía các doanh nghiệp đương nhiên không đồng ý vì họ bị thiệt hại nặng nề, lương vẫn phải trả trong khi phải tốn thêm tiền để thuê nhân công bù đắp cho số người nghỉ làm theo quy định. Những chi phí ấy doanh nghiệp sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, khiến tính cạnh tranh của sản phẩm của doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Bởi mỗi bên đại diện cho những lợi ích khác nhau, để tìm được tiếng nói chung và tránh nguy cơ cài cắm lợi ích khi xây dựng văn bản pháp luật, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng mọi đề xuất đều phải dựa trên nền kinh tế, tính toán xem nền kinh tế ấy có đáp ứng được không và phải tính đến quá trình chuyển tiếp từng bước.

Chằng hạn, với một nền kinh tế phát triển cao như Đức thì từ lâu nước này đã đưa ra chủ trương làm 40 giờ/tuần, còn hiện nay Việt Nam vẫn đang là nước thu nhập trung bình thấp nên cần huy động và rèn luyện người lao động làm việc nhiều hơn. Như vậy, thời gian làm việc sẽ rút ngắn dần theo trình độ phát triển kinh tế và thu nhập, đời sống của người dân.

Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản phải có chính sách hạn chế người lao động làm việc quá nhiều bởi làm việc ở các quốc gia này đã trở thành thói quen, nhu cầu. Ở Việt Nam, người dân còn phải tận dụng làm việc nọ, việc kia để lo cho gia đình, nếu cứ giảm giờ làm thì thu nhập của người dân sẽ thấp đi, đời sống khó khăn.

"Khi chúng ta phát triển đến một mức độ nào đó thì làm việc sẽ trở thành một nhu cầu. Còn bây giờ nghỉ thêm để làm gì? Nhiều người bảo đi du lịch, nhưng không phải ai cũng có tiền để đi du lịch, nông dân thì càng không bao giờ nghĩ tới chuyện nghỉ. Công nhân làm trong nhà máy nếu nghỉ thì không có lương bởi lương của họ là theo thỏa thuận chứ không phải theo ngạch, bậc như cán bộ, công chức", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nói.

Từ đây, vị chuyên gia lưu ý, khi xây dựng chính sách công phải lưu ý một số điểm:

Thứ nhất, phải xuất phát từ thực tiễn

Thứ hai, trước một hiện tượng xã hội, những giải pháp đề ra phải thể hiện thái độ chính trị của nhà quản lý.

"Bộ không có quyền ra chính sách mà chỉ theo dõi lĩnh vực mình quản lý rồi đề xuất. Trên cơ sở thảo luận, thống nhất, Chính phủ sẽ hoạch định chính sách", ông cho biết.

Thứ ba, phải đưa ra những giải pháp cơ bản (không phải giải pháp chi tiết) để tác động vào đối tượng, thúc đẩy hoặc kìm hãm hoặc điều chỉnh nó.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/them-ngay-nghi-tang-tuoi-nghi-huu-vi-sao-nguoc-y-3387843/