Thêm nhiều căn cứ quan trọng để phục dựng điện Kính Thiên

Ngày 22-4, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học 'Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021'. Hội thảo góp phần làm rõ thêm về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ trong đợt khai quật; thêm nhiều căn cứ quan trọng giúp định hướng nhiệm vụ phục dựng điện Kính Thiên trong thời gian tới.

Các di vật tiêu biểu trong đợt khai quật được giới thiệu tại chương trình hội thảo.

Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng

Đợt khai quật thăm dò mới nhất này được tiến hành tại khu vực phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên, với tổng diện tích gần 1.000 mét vuông, giúp xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng, góp phần phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu chuyên sâu về khu di sản Hoàng thành Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là các lớp văn hóa từ thời Đại La đến thời Nguyễn; các di tích mộ táng; dấu tích kiến trúc nhiều nhà gian qua bó nền và móng cột, tường bao, vườn hoa, cống nước... và hàng nghìn di vật khảo cổ.

Theo Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín, các lớp văn hóa thể hiện qua đợt khảo cổ cho thấy tính thống nhất của tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong toàn bộ khu vực.

"Nếu như đợt khảo cổ năm 2019 đã xác định được tiểu cảnh vườn hoa gồm: Đường đi, bồn hoa, sân gạch... phía Đông Bắc chính điện Kính Thiên thì năm nay, các dấu tích này tiếp tục xuất hiện về phía Bắc, giúp xác định rõ hơn ranh giới của công trình. Tương tự, 2 năm trước, đã tìm thấy cột, xà, đầu xà sơn son thếp vàng của kiến trúc Lê Sơ, thì đợt khai quật này tiếp tục phát hiện được mô hình kiến trúc tráng men cùng thời kỳ..., làm rõ hơn không gian, cấu trúc điện Kính Thiên", Giáo sư Tống Trung Tín cho biết.

Cũng từ cuộc khai quật khảo cổ trên, các nhà khoa học đã tìm thấy những di tích mộ táng thời tiền Thăng Long, cho thấy dấu tích cư trú của con người ít nhất từ khoảng thế kỷ IV-VI trước thời kỳ Đại La ở nơi đây; dấu tích kiến trúc thời Trần - hiện chưa thể xác định được chức năng trong hoàng cung Thăng Long xưa, nhưng có hình dạng tương tự với dấu tích đã được phát hiện trước đó ở gần Đoan Môn và chùa Báo Ân; hàng nghìn di vật khảo cổ phổ biến là các vật liệu xây dựng, đồ dùng sinh hoạt thời kỳ Thăng Long, trong đó nổi bật là chiếc chậu đất nung kích thước lớn, trang trí hoa sen, hoa mai và "liên châu" thời Trần.

Kết quả khảo cổ năm 2021 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long tiếp tục làm rõ thêm về không gian, cấu trúc điện Kính Thiên.

Đẩy mạnh nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, công tác khảo cổ học trong những năm qua tại Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện được trên diện tích gần 10.000 mét vuông, góp phần xuất lộ những dấu tích, trong đó có một số dấu vết kiến trúc đặc biệt quan trọng, như: Hoa văn kiến trúc thời Trần, thời Lý - Trần; dấu tích đường nước lớn, hệ thống móng phủ sỏi; làm rõ không gian trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng...

Kết quả khảo cổ sơ bộ năm 2021 ở khu vực trên tiếp tục góp thêm tư liệu cho Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên nói riêng, cũng như làm sâu sắc thêm giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long nói chung.

"Công tác khai quật cũng như nghiên cứu các tư liệu, di tích, hiện vật... trong thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh, để tiếp tục giải đáp những vấn đề đang còn bỏ ngỏ, đặc biệt là những dữ liệu khảo cổ phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phục dựng điện Kính Thiên", ông Nguyễn Thanh Quang bày tỏ.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho rằng, không gian điện Kính Thiên đã dần dần lộ ra qua các đợt nghiên cứu khảo cổ là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng sự cẩn trọng để nghiên cứu vẫn rất cần thiết, vì câu chuyện phục dựng ở đây không chỉ là kiến trúc mà còn là cảnh quan, nội thất và các yếu tố đi kèm.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Lê Huy (Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), phải đưa ra được phương hướng cụ thể để khôi phục điện Kính Thiên, như phục dựng công trình ở thời kỳ nào, các tư liệu, hiện vật đáp ứng được yêu cầu hay không... Cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo cổ để trả lời được những câu hỏi này.

Quang cảnh hội thảo khoa học.

Qua hội thảo, có thể thấy, cuộc khai quật đã làm rõ thêm nhiều điều về Hoàng cung Thăng Long nhưng cũng có nhiều câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, tìm các chứng cứ chứng minh hoặc các minh giải, gợi ý của các nhà khoa học. Cuộc khai quật cũng tiếp tục cho thấy lòng đất trung tâm Thăng Long - Hà Nội luôn giàu có các di tích, di vật hấp dẫn, gây bất ngờ và thú vị.

Theo Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các cuộc khai quật hằng năm sẽ từng bước, từng bước cho phép chúng ta tiếp cận ngày một rõ hơn, đầy đủ hơn về một Thăng Long hoa lệ ngàn năm, Di sản thế giới của Việt Nam và nhân loại, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác khai quật khảo cổ học là tiến tới khôi phục điện Kính Thiên.

"Cho đến giờ, có thể khẳng định, nhiệm vụ phục dựng điện Kính Thiên sẽ dựa trên nền tảng các cứ liệu lịch sử thu thập được từ thời Lê. Nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ; tập trung nghiên cứu, tham khảo tài liệu lịch sử trong và ngoài nước viết về khu di sản Hoàng thành Thăng Long... để có thêm cứ liệu phục vụ nhiệm vụ phục dựng điện Kính Thiên", Giáo sư Lưu Trần Tiêu nêu.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/997047/them-nhieu-can-cu-quan-trong-de-phuc-dung-dien-kinh-thien