Thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực xã hội. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng thuận của nhân dân, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả mục tiêu 'kép': Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một tín hiệu vui là từ đầu quý III năm nay, dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng kinh tế đã dần trở nên rõ rệt. Thị trường lao động ổn định trở lại, đông đảo người lao động (NLĐ) có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm, ổn định việc làm…

Đông đảo đoàn viên, thanh niên và học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia Ngày hội giáo dục hướng nghiệp và giải quyết việc làm năm 2020 do Sở Lao động - TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Đại học Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 9, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 0,51% so với tháng trước, trong đó DN ngoài Nhà nước tăng 0,25%, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,67%. Cùng với đó đã có gần 70% số DN sản xuất, kinh doanh ổn định hơn từ giữa quý III và dự kiến con số này sẽ tăng lên 85% trong những tháng cuối năm. Theo đó, thị trường lao động dần sôi động trở lại.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Để nắm bắt được diễn biến của thị trường lao động, cán bộ của Trung tâm chủ động đến các DN làm nhiệm vụ thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng lao động, rồi về các huyện, thành phố và thị xã nắm bắt nhu cầu việc làm của NLĐ. Tại 2.312 DN được khảo sát đã có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.500 lao động ở hơn 100 vị trí việc làm. Trung tâm cũng đã thực hiện cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học cho hơn 37.500 lượt người; 1.250 NLĐ được giới thiệu và tuyển dụng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Các ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động cao là: Điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh chiếm 31,02%, chủ yếu cho công việc sản xuất linh kiện điện tử, kỹ thuật viên điện tử, kỹ thuật lắp ráp điện tử, kỹ sư điện tử. Ngành dệt, may, giày da chiếm 21,86%; ngành dịch vụ, phục vụ chiếm 9,08%, chủ yếu tuyển dụng chuyên viên chăm sóc khách hàng, tư vấn tuyển sinh, chăm sóc khách hàng, tư vấn bán hàng. Với ngành cơ khí, tự động hóa chiếm 9,67%, cần tuyển dụng kỹ thuật viên cơ khí, kỹ sư cơ khí thủy lực, kỹ sư thiết kế chế tạo máy, nhân viên vận hành máy - thiết bị, kỹ thuật viên bảo trì, kỹ thuật cơ khí, gia công cơ khí, cơ khí sửa chữa. Với ngành kinh doanh, thương mại chiếm 11,55%, tập trung nhiều ở các vị trí việc làm như: Nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, trợ lý kinh doanh, tư vấn bán hàng, giám sát bán hàng. Riêng ngành tài chính, kế toán chiếm 7,5%. Đặc biệt ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn vừa phải trải qua một thời gian dài “đóng băng” hiện chiếm 4,65%. Bởi từ tháng Mười, các ngành này đã và đang sôi động trở lại. Các vị trí việc làm cần tuyển dụng là nhân viên phục vụ, nhân viên tiếp nhận đặt hàng đồ ăn uống, vị trí quản lý khách sạn, đầu bếp, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng. Với ngành vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu chiếm 4,67%, vị trí việc làm cần tuyển dụng như: nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, nhân viên giao hàng, lái xe, ghi chép kho, giao nhận hàng hóa, bốc xếp hàng hóa.

Điều quan tâm là các DN sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo chiếm 32,28%, trong đó nhu cầu trình độ sơ cấp nghề chiếm 2,84%, trung cấp chiếm 7,6%, cao đẳng chiếm 9,5%, trình độ đại học trở lên chiếm 12,34%. Về nhu cầu tuyển dụng nhân lực đã qua đào tạo tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh, thương mại; quản lý điều hành; cơ khí, tự động hóa; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; tài chính, kế toán; vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu; công nghệ thực phẩm; điện tử, cơ điện tử; marketing, quan hệ công chúng; kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng; công nghệ thông tin. Về nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chiếm 67,72%, tập trung ở trong các ngành phục vụ, sản xuất không yêu cầu nhiều kinh nghiệm với các vị trí như: Công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên bán hàng tại các cửa hàng, siêu thị, kinh doanh sản phẩm, thợ phụ ngành dệt may, giày da, phục vụ nhà hàng - khách sạn - quán ăn, phụ bếp, nhân viên đóng gói, công nhân sản xuất nhựa - bao bì…

Thực tế qua 10 tháng của năm nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 người có nhu cầu tìm việc làm, trong đó lao động chưa có kinh nghiệm chiếm tỷ lệ cao nhất với 51,02%; lao động có 1 năm kinh nghiệm chiếm 21,28%; lao động có kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm chiếm 17,56%; lao động có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm là 8,1% và lao động có kinh nghiệm trên 5 năm có nhu cầu tìm việc làm chiếm 2,04%. Trong quý II và quý III, theo đăng ký nguyện vọng tìm việc, NLĐ đề nghị được làm việc với mức lương được trả phù hợp với việc làm, trong đó có 12,57% ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng; 59,07% ở mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng; 20,9% ở mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt có 8,13% trong tổng số NLĐ tìm việc làm đề nghị được hưởng mức lương trên 15 triệu đồng/tháng. Đã có hàng nghìn NLĐ tìm được việc làm mới. Đồng nghĩa với việc các DN, cơ sở sản xuất đã nhanh chóng phục hồi, đi vào sản xuất ổn định. Và theo đó là hàng nghìn mái ấm gia đình hạnh phúc hơn nhờ có việc làm…

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/them-nhieu-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-276751-108.html