Thêm nhiều ngành học mới, đa dạng phương thức xét tuyển

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2018 là việc rất nhiều trường ĐH dự kiến sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh của các trường cũng sẽ có một số điều chỉnh hướng tới sự đa dạng và phong phú hơn so với năm 2017.

Thêm nhiều ngành đào tạo mới “đón trước” nhu cầu xã hội

Năm 2018, Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội sẽ mở thêm một số ngành lần đầu tiên được nhà trường đào tạo. Đó là các ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Khoa học Thông tin Địa không gian, Sư phạm tiếng Đức, Quản trị Trường học...

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, đây đều là những ngành đào tạo đón đầu nhu cầu nhân lực trong cách mạng 4.0 sắp tới. Đồng thời, cũng là những ngành học mới hứa hẹn sẽ là những công việc “hot” trong vòng 4-5 năm tới. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành, ĐHQG Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động thu hút các sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong năm 2018.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho biết: Năm nay, các chuyên ngành trước đây của trường đã đào tạo sẽ được nâng cấp, tách ra thành những ngành độc lập.

Năm 2018, nhiều trường ĐH sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực kết hợp với xét tuyển.

Đặc biệt, nhà trường cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động như ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng; thương mại điện tử; Quản trị khởi nghiệp; Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro... Đây đều là những ngành học “đón đầu” nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong 4-5 năm tới.

Trường ĐH Thủy lợi cũng dự kiến sẽ tuyển thêm 4 ngành trong năm 2018 gồm: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. Tương tự, ĐH sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng dự kiến tuyển sinh thêm 6 ngành mới bao gồm Sư phạm công nghệ; Quản lý xây dựng; Kiến trúc; Kỹ thuật đồ họa; Năng lượng tái tạo; Quản lý nhà hàng ẩm thực.

Còn Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cũng vừa được cấp phép tuyển sinh thêm 2 ngành mới trong năm 2018 gồm Mỹ thuật đô thị và Quản lý xây dựng. Trong đó, Mỹ thuật đô thị là ngành rất mới, lần đầu tiên được tổ chức đào tạo tại Việt Nam trình độ đại học. Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 2 ngành mới: Ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam học.

Cũng trong năm 2018, dự kiến các trường ĐH sư phạm lớn trên toàn quốc sẽ đào tạo thêm một số ngành mới như Tiếng dân tộc và Khoa học tự nhiên nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020. Khối các trường ngành Y dược dự kiến cũng sẽ tuyển thêm một số ngành như Quản trị bệnh viện; Tổ chức và quản lý Y tế; Nhóm các trường thuộc khối An ninh-quốc phòng cũng dự kiến sẽ mở thêm ngành An toàn thông tin.

Tổ chức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực

Nếu như năm 2017, hầu hết các trường đều tổ chức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì năm 2018, nhiều trường ĐH dự kiến thay đổi phương thức tuyển sinh theo hướng kết hợp giữa thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và xét tuyển. Theo đề án tuyển sinh của trường ĐH quốc tế TP Hồ Chí Minh, nhà trường sẽ tự ra đề và tổ chức thi ĐGNL dành cho các thí sinh đã tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp năm 2018.

Đề thi sẽ có tính phân loại tốt thí sinh thông qua việc kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, tư duy logic, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng viết của người dự thi. Thí sinh phải vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đủ điểm chuẩn trong kì thi kiểm tra ĐGNL của trường tổ chức sẽ trúng tuyển vào trường mà không cần tham gia thêm các phương thức xét tuyển khác.

Tương tự, ngoài các thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng, các thí sinh có nguyện vọng vào trường ĐH FPT sẽ phải tham gia hai bài thi do trường tổ chức vào ngày 13-5. Trong đó, bài thi một nhằm ĐGNL phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan ngành học đăng ký dự thi; Bài thi 2 nhằm ĐGNL nghị luận thông qua bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình trung học. Như vậy, yêu cầu đối với thí sinh trúng tuyển là đạt yêu cầu trong bài thi của trường vào ngày 13-5 và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Khác với ĐH Quốc tế và ĐH FPT, năm 2018, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức tuyển sinh thông qua hình thức thi ĐGNL và xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thay vì thi ĐGNL trước khi thi THPT quốc gia, nhà trường tổ chức phương thức thi này sau khi thí sinh đã trải qua vòng sơ tuyển điểm học bạ, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, bài thi ĐGNL chiếm tỷ trọng 40%; điểm thi THPT quốc gia chiếm 50% và điểm học bạ chiếm 10% trong tổng điểm xét tuyển.

Theo Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xã hội, thí sinh vi phạm quy chế thi sẽ bị xử lý mạnh tay hơn.

Cụ thể, thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kì thi của thí sinh trong hai năm tiếp theo, dự thảo mới quy định hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

(H.Thanh)

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/them-nhieu-nganh-hoc-moi-da-dang-phuong-thuc-xet-tuyen-478263/