Thêm nhiều 'quái chiêu' của tội phạm buôn lậu dịp cuối năm

Trong quá trình tổ chức bốc hàng lậu lên xe, các đối tượng thường cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng chống buôn lậu ngay tại trụ sở làm việc. Nếu thấy đội trinh sát 'xung trận' thì đám 'chim lợn' sử dụng bộ đàm, điện thoại di động báo về cho đầu nậu, mọi hoạt động ngay lập tức dừng lại, xóa dấu vết như chưa từng có gì diễn ra nơi đây.

Lực lượng chức năng khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị (Lạng Sơn) chặn pháo trên tuyến biên giới. Ảnh: PV

Chủ đầu nậu thường rất ít lộ diện

0h ngày 15/12, cán bộ trực của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (Cao Bằng) nhận được thông tin, các đối tượng buôn lậu thuốc lá chuẩn bị xuất phát. Ngay sau đó, tổ công tác lập tức nhận nhiệm vụ, lặng lẽ men theo cánh gà khu vực cửa khẩu tiến về hướng biên giới. Từng người bước đi nhẹ nhàng trong đêm tối đến đường tuần tra biên giới để tránh bị phát hiện. Trong màn đêm tĩnh mịch, mọi người tuyệt đối im lặng, không bật đèn, nằm sát người xuống đất. Lúc này, bất cứ một cử động nhỏ cũng có thể lộ bí mật, vì vậy muỗi cắn, kiến đốt cũng không được đập mạnh.

Phía bên kia biên giới lốm đốm ánh đèn đang di chuyển. Ở từng vị trí, mọi người căng mắt nhìn về phía bên kia biên giới, theo dõi nhất cử nhất động của các đối tượng buôn lậu. Thông tin từ trinh sát báo về, rất có khả năng đêm nay sẽ có một chuyến “hàng” lớn được, các đối tượng vận chuyển qua đoạn đường này.

Một cán bộ Biên phòng cho biết, các đối tượng buôn lậu thường xé nhỏ hàng hóa rồi chất lên xe máy, chạy dọc tuyến biên giới. Hàng ở đây chủ yếu là thuốc lá ngoại. Quá trình vận chuyển, nếu phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng chạy ngược sang bên kia biên giới. Nếu có biến động, chúng “ém hàng” tại các điểm trung chuyển, chờ thời điểm thích hợp, tiếp tục vận chuyển.

2h sáng, đêm như dài hơn cùng thời gian chờ đợi. Các trinh sát vẫn căng mắt theo dõi, thế rồi những ánh đèn lốm đốm đã tắt hẳn. Đội công tác nhận được thông báo từ Ban Chỉ huy đồn, đêm nay, nhiều khả năng cuộc mật phục bị bại lộ nên chúng đã ém lại “hàng”, không đi nữa…

Cùng tuyến biên giới với Cao Bằng là tỉnh Lạng Sơn - địa phương đang “nóng” về tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua các đường mòn lối mở dịp cuối năm. Phần lớn hàng lậu đều do các chủ đầu nậu lợi dụng cư dân biên giới không có việc làm hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia vận chuyển lúc đêm tối. Khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng, đối tượng buôn lậu sẽ vác từng bao tải nặng từ 50kg đến 70kg theo đường mòn, vách núi cheo leo dọc biên giới như khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, khe Bà Lan, đường mòn 386 (Văn Lãng), khu vực đường mòn dốc 05 - 06 (Cao Lộc) và một số đường mòn trên địa bàn các xã của huyện Lộc Bình. Các đối tượng buôn lậu còn thuê cả nhà dân làm kho chứa hàng dã chiến, chờ khi gom đủ hàng sẽ nhanh chóng chuyển lên xe máy rồi vận chuyển sâu vào nội địa. Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng mua lại của một số hộ kinh doanh khu vực thị trấn Ðồng Ðăng hoặc trong các chợ sát biên giới, nhằm hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

“Nóng” cả đường biển và hàng không

Về tình hình buôn lậu cuối năm, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: “Cuối năm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, diễn ra trên địa bàn cửa khẩu đường biển, đường bộ, đường hàng không trên cả nước. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.539 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực Hải quan, thu ngân sách hơn 306 tỷ đồng; ban hành 62 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố 99 vụ”.

Cũng theo ông Quang, đường hàng không được các đối tượng lựa chọn bởi ưu thế nổi bật là vận chuyển nhanh, vận chuyển xa. Các đối tượng buôn lậu bất chấp sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng, liều lĩnh vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, hàng quốc cấm. Bằng chứng là ngày càng có nhiều vụ buôn lậu hàng quốc cấm bị phát hiện, đặc biệt là sản phẩm động vật hoang dã với số lượng lớn.

Về buôn lậu đường biển, các phương thức, thủ đoạn vẫn là thuê người vận chuyển hàng hóa bằng xuồng máy, vỏ lãi công suất lớn vượt biên giới vào Việt Nam vào các giờ cao điểm: chập tối, nửa đêm, gần sáng, giờ nghỉ của lực lượng chức năng... sau đó chia nhỏ, xé lẻ lượng hàng rồi nhanh chóng đưa lên xe tải, xe khách, xe gắn máy 2 bánh, đưa đi các địa phương tiêu thụ... Theo lực lượng chức năng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, trọng tâm là kiểm soát chặt các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Mới nhất, ngày 17/12, Bộ Công an thông tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) vừa lập chuyên án đấu tranh, triệt phá thành công đường dây buôn lậu tại tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, khoảng 21h30 ngày 14/12, Cục 03 phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang 24 kẻ đang thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam tại xã Cao Lầu, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Thời điểm bị bắt quả tang, nhóm người này đang bốc dỡ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu bọc trong các bao tải từ 2 xe ô tô tải BKS nước ngoài sang 5 xe ô tô tải BKS Việt Nam. Tang vật thu giữ khoảng 100 tấn hàng hóa trị giá nhiều tỷ đồng bao gồm: Thuốc Bắc, đồ gia dụng, phụ kiện ô tô...

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/them-nhieu-quai-chieu-cua-toi-pham-buon-lau-dip-cuoi-nam-20181217215205905.htm