Thêm nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria

Nhiều quốc gia ở nhiều châu lục lên tiếng bày tỏ lo ngại việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria, coi đây là điều nguy hiểm.

Các nước này cho rằng, cuộc tấn công của liên quân sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của người dân Syria và đe dọa những nhận thức chung đạt được về các vùng giảm căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này. Các nước cũng đồng thời kêu gọi thúc đẩy giải pháp chính trị tại Syria.

Một cuộc biểu tình phản đối ném bom Syria trước đây. Ảnh: ManchesterEveningNews.

Chính phủ Peru đã bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh một cuộc xung đột leo thang có thể đe dọa hòa bình thế giới.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Peru nhấn mạnh, bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với việc sử dụng vũ khí hóa học cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ ủng hộ việc cử phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra vụ việc một cách minh bạch.

Peru cũng cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải thiết lập một cơ chế giúp xác định và truy cứu trách nhiệm những bên sử dụng vũ khí hóa học. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chính phủ Peru thông báo đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales đã lên án mạnh mẽ hành động tấn công quân sự của Mỹ, Anh và Pháp.

Về phần mình, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes cũng bày tỏ lo ngại việc leo thang các hành động quân sự tại Syria, đồng thời khẳng định Brazil luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Nunes hy vọng phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học sẽ sớm có những kết luận điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Cùng ngày, Malaysia cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành động tấn công quân sự vào Syria của Mỹ, Pháp và Anh, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa.

Cùng với việc khẳng định sẽ không có giải pháp quân sự nào có thể chấm dứt được xung đột, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Malaysia kêu gọi tất cả các bên cùng tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán và đối thoại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Syria. Phát biểu với báo giới, bà Marsudi cho biết, Indonesia đã liên tục theo dõi tình hình tại Syria, vì hiện có hàng ngàn người Indonesia sống ở đất nước này. Ngoại trưởng Indonesia đồng thời nhấn mạnh, tất cả các bên cần tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc về hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ma Rốc lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đặc biệt là nhằm vào dân thường vô tội. Tuy nhiên, những kinh nghiệm trong quá khứ cũng đã chỉ ra rằng các lựa chọn quân sự, bao gồm cả không kích - chỉ khiến việc tìm ra một giải pháp chính trị càng trở nên khó khăn hơn, làm tăng thêm những bất hạnh mà người dân phải chịu cũng như nuôi dưỡng và thúc đẩy những tư tưởng chống lại phương Tây.

Nước này hy vọng các bên liên quan sẽ sớm tìm ra được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhằm khôi phục sự thống nhất đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như có được một cuộc chiến hiệu quả chống lại bạo lực, cực đoan và khủng bố.

Trong phản ứng của mình, Iraq đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Arab có lập trường rõ ràng về cuộc xung đột Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 29, dự kiến diễn ra tại thành phố Dhahran của Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Iraq cảnh báo rằng các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào Syria ngày 14/4 là một diễn biến "rất nguy hiểm", có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa trong khu vực.

Về phần mình, Iran cảnh báo chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria sẽ gây ra những "hậu họa trong khu vực", thậm chí khiến thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ. Đây cũng là lý do buộc Nga, Mỹ hay các nước phương Tây phải cân nhắc trong từng hành động.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày hôm qua tuyên bố Đức và Pháp sẽ mở ra một hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết vấn đề Syria, trong đó có sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo giải quyết xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu với báo chí tại Berlin, ông Heiko Maas nói rằng, Đức sẽ hợp tác với Pháp trong việc tạo ra một định dạng quốc tế mới để giải quyết vấn đề xung đột tại Syria.

Ông Maas nói: “Trước tiên, chúng tôi muốn đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Syria và được tiếp cận viện trợ nhân đạo theo nghị quyết 2401 của Liên Hợp Quốc. Thứ hai, giải pháp lâu dài cho vấn đề Syria cần phải được đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, các lợi ích hợp pháp của các nhóm dân cư ở phải được xem xét và phải thiết lập một chính phủ chuyển tiếp, cải cách hiến pháp và bầu cử là những cột mốc quan trọng cho việc này. "

Ngoại trưởng Đức khẳng định các sáng kiến để giải quyết khủng hoảng Syria sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 - Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/them-nhieu-quoc-gia-bay-to-quan-ngai-viec-my-anh-phap-tan-cong-syria-751459.vov