Thêm nhiều quy định trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 26/11, tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng, Nhà nước quyết tâm và quyết liệt trong phòng chống tham nhũng (PCTN). Việc Quốc hội thông qua Luật PCTN (sửa đổi), đưa việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc ra khỏi Dự án Luật là do đây là vấn đề mới và phức tạp, cần nghiên cứu thấu đáo.

Làm rõ vấn đề này ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích thêm, thực tế tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức nói riêng và người dân nói chung trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát được tài sản, thu nhập của nhiều đối tượng. Vấn đề tồn tại đã lâu và chúng ta chưa thể xử lý trong một sớm một chiều, nhưng “không vì thế mà làm yếu đi, ngược lại, tiếp tục thể hiện thái độ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong PCTN’”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Thực tế, tại Dự án Luật sửa đổi vừa được QH thông qua có rất nhiều điểm mới như: Việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay điều đó là rất cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã và đang có dấu hiệu hoặc đã trở thành “sân sau” của một số quan chức. Vì thế, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự (BLHS) đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc đến điểm mới này. “Lần này, Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN với rất nhiều điểm đổi mới quan trọng. Đó là đã mở rộng PCTN ra khu vực tư nhân”.

Riêng về tài sản thu nhập, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật hiện hành chỉ nêu minh bạch về tài sản thu nhập thì lần này chuyển sang chế định kiểm soát, trong đó, hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được kiện toàn một bước chặt chẽ hơn, căn cơ hơn, qua đó việc xác minh tài sản thu nhập sẽ chặt chẽ hơn quy định hiện nay.

Trong Báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua nghiên cứu thì hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ quy định chưa thật sự hợp lý của Luật hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt đối tượng để có mức độ kiểm soát khác nhau phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Điều 36 của Dự thảo Luật quy định áp dụng phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau, cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong PCTN. Và, giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và quân nhân chuyên nghiệp.

Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp. Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong PCTN, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập. Đồng thời, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Tuy nhiên, ở ta người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức hình thành từ các nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc số tiền để mua tài sản, chưa quy định đánh thuế đối với một số loại tài sản… Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân, cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp, bảo đảm sự hài hòa cả về tính pháp lý và thực tiễn xã hội của nước ta.

Nói thế để thấy, không phải chúng ta ngần ngại hay nhụt chí trong đấu tranh chống tham nhũng, mà do cần cân nhắc các tình huống để làm sao minh bạch, công khai nhưng cũng hợp tình, hợp lý.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/them-nhieu-quy-dinh-trong-phong-chong-tham-nhung-tintuc423815