Thêm vững tin giữ đảo, vươn khơi

Cùng đoàn công tác ra thăm, kiểm tra tại quần đảo Trường Sa, Đại tá, Tiến sĩ Lê Trung Hải, Phó giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) nói một cách hình ảnh: “Các thầy thuốc quân y - chiến sĩ áo trắng trên quần đảo như những bông hoa phong ba, được quân - dân vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc rất tin yêu…".

Nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ từ các bệnh viện quân đội luân phiên ra Trường Sa phục vụ, cấp cứu, điều trị kịp thời hàng trăm trường hợp tai nạn, bệnh hiểm nghèo, là điểm tựa vững chắc để bộ đội, nhân dân thêm yên tâm trụ vững nơi đầu sóng, vươn xa làm chủ biển khơi. Địa chỉ quân mến, dân Hôm chúng tôi lên đảo Trường Sa Lớn, bệnh xá của đảo (do Bệnh viện quân y 175 đảm trách) xử trí hai trường hợp cấp cứu. Anh Đặng Thanh, quê ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, thợ lặn trên tàu cá BT- 8767 được chủ tàu đưa vào cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, mạch chậm… phải điều trị tích cực. Thiếu tá Phạm Đình Đôn, Bệnh xá trưởng cho biết: Các ca bệnh giảm áp thường xảy ra với ngư dân sau khi lặn sâu, dễ dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nếu không được cứu chữa kịp thời, đúng kỹ thuật. Anh Phạm Văn Của, ngư dân cùng tàu BT- 8767 đi thuyền thúng vào thăm bệnh nhân Thanh, không may bị sóng đánh lật thuyền tại bãi san hô, phải khâu mấy mũi ở bàn chân. Nét mặt chưa hết đau đớn, thất thần sau tai nạn, nhưng trong ánh mắt của anh ánh niềm vui vì đã “tai qua nạn khỏi” nhờ sự cứu chữa, chăm sóc tận tình của các thầy thuốc quân đội. Từ năm 1992 đến nay, Bệnh viện 103 liên tục cử kíp y, bác sĩ ra làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn, một bác sĩ ngoại khoa giỏi hiện là bệnh xá trưởng của đảo. Nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa-nơi có ngư trường đánh bắt hải sản khá sôi động-Bệnh xá quân y các đảo Song Tử Tây, Nam Yết có số bệnh nhân là ngư dân vào khám, chữa bệnh, cấp cứu, điều trị khá đông. Bác sĩ Mai An Giang, Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây (do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đảm nhiệm) cho biết: "Năm 2009, bệnh xá điều trị hơn 100 ca bệnh nhân là ngư dân, trong đó 6 ca chấn thương, 3 ca giảm áp do lặn sâu...". Mặc dù không có nghiệp vụ chuyên sâu về sản khoa, Bác sĩ Giang đã trực tiếp xử trí một ca đẻ khó, giúp "mẹ tròn con vuông" đối với sản phụ Trương Thị Liền. Cháu Hồ Sang Tất Minh chào đời an toàn, khỏe mạnh là niềm vui của quân-dân toàn đảo; giờ cháu sắp tròn một năm tuổi. Cuối năm 2009, Bệnh xá đảo Nam Yết, bằng nỗ lực chuyên môn cao nhất, bằng mọi khả năng hiện có và tinh thần hết lòng vì người bệnh, đã cứu sống Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Bảo, bị chết lâm sàng do đuối nước. Đây là trường hợp thành công hiếm thấy ngay cả đối với các cơ sở y tế trong đất liền, nhất là khi bị đuối nước mặn, tỷ lệ tử vong càng cao. Chúng tôi đến đảo Nam Yết khi Đại úy Trịnh Công Lý, Cụm trưởng Cụm chiến đấu 3 vừa lành bệnh sau ca phẫu thuật ruột thừa. Đang luyện quân chuẩn bị cho diễn tập, kiểm tra bắn đạn thật, anh thấy đau bụng. Các thầy thuốc bệnh xá tiến hành khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm máu, xác định anh bị viêm ruột thừa. Sau một giờ, ca phẫu thuật hoàn thành, hôm sau anh đã ăn được cháo loãng và sau một tuần đã trở lại phân đội, chỉ huy bộ đội luyện tập. Các thầy thuốc Bệnh viện 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3) nhiều năm qua đã coi đảo Phan Vinh là "địa chỉ đỏ" nơi tuyến đầu. Kíp y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo do Trung úy, Bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Huy Chương làm bệnh xá trưởng cùng các đồng nghiệp Tiến, Trung, Hải đã ra đảo tròn một năm. Hai ca bệnh điển hình mà các anh xử trí kịp thời, hiệu quả là trường hợp ngư dân Trần Văn Trúc (ở Tuy Hòa, Phú Yên) bị tai nạn máy nghiền đá, dập nát bàn tay trái, bị sốc nặng và ngư dân Nguyễn Nhi (ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị cá kình đâm vào cổ, có triệu chứng liệt hai chân. Thầy thuốc quân y trên các đảo còn là lực lượng xung kích tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa ngư dân bị tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển... nhất là trong mùa mưa bão, biển động. Nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng cứu chữa Trước đây, trang thiết bị, thuốc men, trình độ tay nghề của thầy thuốc quân y ở đảo còn hạn chế, nên một số ca bệnh không phức tạp vẫn phải chuyển về đất liền hoặc xin ý kiến chỉ đạo, xử lý (qua máy thông tin vô tuyến) từ các chuyên gia giỏi ở bệnh viện trong đất liền. Thượng tá Hồ Sĩ Hùng, Chủ nhiệm Quân y Vùng D Hải quân cho biết: Thực hiện Quyết định số 1342/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng, chất lượng, biên chế thầy thuốc quân y trên từng đảo được quy định rõ; trình độ chuyên môn, khả năng cứu chữa được nâng lên rõ rệt. Nhiều thầy thuốc có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ra phục vụ tại đảo, vừa khám, chữa bệnh vừa ấp ủ các đề tài khoa học về y học biển, đảo. Bệnh xá tại các đảo cấp 1 đều có hai bác sĩ; vừa qua nhiều bệnh xá được trang bị máy siêu âm xách tay, máy thở, bộ xét nghiệm, máy theo dõi bệnh nhân... Trước đó, các máy hút đờm, máy tạo ô xi khí trời... được trang bị đã phát huy hiệu quả tốt. Theo Tiến sĩ Lê Thanh Sơn, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết: Bệnh xá đủ khả năng cứu chữa cơ bản, thực hiện các ca đại phẫu như cắt lá lách, mổ vết thương thấu bụng... Cơ cấu bệnh mà các bệnh xá đảo xử lý chủ yếu là vết thương phần mềm do tai nạn trong lao động, huấn luyện, chấn thương do ngã giao thông hào, sốc phản vệ do sứa lửa, giảm áp do lặn sâu, đuối nước, loét lâu liền vết thương, đau mắt... Các bệnh viện đều tổ chức huấn luyện, tập huấn cho các kíp thầy thuốc trước khi ra đảo; từng y, bác sĩ chủ động học hỏi sâu về chuyên môn theo chức trách sẽ đảm nhiệm tại đảo xa. Ngoài cơ số thuốc, dụng cụ y tế trên cấp, các bệnh viện 108, 103, Viện Quân y 5... còn tăng cường thuốc, dụng cụ, vật tư y tế tiêu hao; tặng đồ dùng sinh hoạt, như máy thu hình, ra-đi-ô, quạt điện, đèn pin... cho các kíp quân y ra đảo. Đại tá, Tiến sĩ Vũ Quốc Bình, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) vừa trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm quân y trên quần đảo Trường Sa đánh giá: Lực lượng quân y thực sự là chỗ dựa tin cậy của quân và dân nơi biển, đảo tiền tiêu, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cường độ huấn luyện, lao động cao, nhiều tai nạn rủi ro. Tuy nhiên, các kíp y, bác sĩ ra đảo cần được nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, bài bản từ đất liền, nhất là về cơ cấu bệnh tật ở vùng biển, đảo xa, phương pháp chẩn đoán, xử lý... Các đảo cần sớm hoàn thiện tủ sách quân y và mô hình kết hợp quân-dân y ở các đảo có dân sinh sống; chuẩn hóa tài liệu huấn luyện... Nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại vừa được cấp cho quân y các đảo sử dụng hiệu quả, nâng cao khả năng chẩn đoán, cứu chữa, nhưng cần được đầu tư về điều kiện bảo quản ở môi trường khí hậu biển, đảo. Cán bộ, chiến sĩ trước khi ra phục vụ tại quần đảo Trường Sa đều được kiểm tra kỹ về sức khỏe, góp phần bảo đảm quân số khỏe cao. Tuy nhiên, cần sớm hoàn thiện hồ sơ sức khỏe cá nhân, xác định nhóm máu của từng người ra sinh sống, phục tại đảo. Công tác vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, nghiên cứu về thú y, phòng, chống dịch bệnh... cần được quan tâm, đầu tư thỏa đáng, nhất là khi các đảo đều đẩy mạnh chăn nuôi, tăng gia sản xuất, xây dựng nhiều công trình kinh tế-quốc phòng... Hằng năm, các bệnh viện tổ chức thay phiên các kíp quân y ra đảo. Kinh nghiệm tốt của Bệnh viện 175 cần được rút kinh nghiệm, nhân rộng là chỉ thay phiên 1/2 kíp, để các thầy thuốc cũ và mới có điều kiện trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm, nắm chắc tình hình trên đảo, phương pháp điều trị, cấp cứu một số bệnh, tai nạn thường gặp... Bài và ảnh: Quân Thủy

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/109589/Default.aspx