Thêm xã về đích nông thôn mới nâng cao

Chứng kiến quá trình phát triển của quê hương, chú Dương Văn Hồng (58 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phấn khởi: 'Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền làm được rất nhiều việc cho dân, ý nghĩa nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM). Đạt chuẩn xã NTM nâng cao hôm nay, chúng tôi sẽ ra sức cùng chính quyền địa phương giữ vững và nâng chất những gì đã đạt'.

Xã Mỹ Phú Đông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Về Mỹ Phú Đông hôm nay, khoảng cách địa lý dường như được rút ngắn lại, nhờ những con đường bê-tông phẳng lì, rộng rãi, nối dài từ huyện đến trung tâm xã. Những ngày này, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đón niềm vui lớn khi xã vừa được UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Để đạt thành quả trên, xã thường xuyên cập nhật, rà soát, đánh giá kết quả hàng tháng, quý, năm theo hướng dẫn của cấp trên; chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể đối với tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện NTM nâng cao; phát hiện điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay để khích lệ, động viên và nhân rộng.

Xác định người dân là chủ thể và là người thụ hưởng từ chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, với phương châm “tích cực, kiên trì vận động”, Đảng ủy, UBND xã tổ chức 25 cuộc họp dân ở ấp, tuyên truyền, vận động 1.100 lượt người dân tích cực tham gia; tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.

Giai đoạn 2019-2021, tổng mức đầu tư xây dựng NTM nâng cao xã Mỹ Phú Đông trên 30,7 tỷ đồng. Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã gần 62 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2018, nhờ quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, định hướng ngành nghề, giới thiệu hộ nghèo tiếp cận nguồn chính sách, phát triển mô hình làm ăn hiệu quả.

Địa phương nỗ lực vận động nguồn lực xã hội cất mới, sửa chữa 29 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; duy trì hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từng năm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ này còn 0,66% (giảm 2,45% so năm 2018).

Diện tích đất tự nhiên của xã là 3.090ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 2.839ha (chiếm 91,9%). Để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, xã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc liên kết tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao thu nhập là một trong những mục tiêu phải đạt được trong xây dựng NTM nâng cao. Do đó, địa phương tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cấp hoàn chỉnh các tiểu vùng đê bao khép kín, duy trì diện tích gieo trồng lúa 3 vụ ở mức 8.517ha/năm. Toàn bộ diện tích gieo trồng lúa được cơ giới hóa 100%.

Thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) diện tích 773ha (352 hộ tham gia), qua đó chi phí sản xuất giảm bình quân khoảng 2 triệu đồng/ha. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2021, địa phương phát triển 2 sản phẩm tiềm năng OCOP, gồm thanh nhãn và trà mãng cầu. Hiện, xã đang hỗ trợ các chủ thể thực hiện quy trình, hồ sơ đề nghị đánh giá đạt chuẩn OCOP cấp huyện. Trong những năm qua, xã còn tập trung thu hút, mời gọi đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Toàn xã hiện có 169 cơ sở sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm biểu dương sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phú Đông trong xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời, đề nghị địa phương thường xuyên sâu sát, quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng NTM; biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng, xã hội. Cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa; quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy việc liên kết sản xuất và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/them-xa-ve-dich-nong-thon-moi-nang-cao-a333788.html