Thênh thang Hồng Ngài

Đã lâu rồi người ta truyền tai nhau ở dãy núi lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dòng suối Lũng Pô có mỏ vàng hay đá đỏ hồng ngọc giá trị lắm nên không ít người ngày đêm cất công đi tìm kho báu. Ngay cả tên gọi Hồng Ngài dịch ra cũng có nghĩa là đá đỏ. Chẳng biết chuyện đó thực hư ra sao, nhưng mùa xuân này, câu chuyện về những đổi thay của mảnh đất tận cùng biên giới Lào Cai đã đưa tôi đến Hồng Ngài, bản Mông xa xôi nhất xã Y Tý (Bát Xát), cũng là nơi có cột mốc biên giới đầu tiên của tỉnh.

Thênh thang đường mới Hồng Ngài

“Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Những ca từ quen thuộc trong bài hát đưa tôi về với vùng đất biên giới Bát Xát ngút ngàn rừng núi, mây trời. Ngày cuối năm, sau đợt rét dài, nắng mật ong hửng lên thật ấm áp, làm những nụ đào chúm chím cũng bung nở sớm nơi mảnh đất biên cương. Nhìn trên bản đồ địa lý, Hồng Ngài vừa giáp với xã Ma Ngán Tý, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vừa giáp với xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Hồng Ngài cũng là tên dãy núi lớn nơi khởi nguồn của dòng suối Lũng Pô trước khi hòa vào sông Hồng ở A Mú Sung. Tuy nhiên, để đến được đầu nguồn Lũng Pô không thể cứ ngược theo suối vì địa hình hiểm trở mà phải ngược dốc lên xã Y Tý, nơi có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển rồi đi 20 km nữa mới tới Hồng Ngài.

Đường vào Hồng Ngài được đổ bê tông.

Nhớ lại năm 2015, tôi có chuyến công tác vào Hồng Ngài, từ đó vẫn mang theo nỗi sợ vì chặng đường quá gian nan. Ngày ấy, đường vào Hồng Ngài mới được mở rộng nhưng vẫn là đường đất xen với những đoạn đá cấp phối, phải đi xe gần nửa ngày mới tới. Người dân Hồng Ngài đi bộ ra chợ Y Tý phải mang theo cơm nắm ăn dọc đường vì mất đúng 1 ngày. Vậy mà hôm nay bấm điện thoại gọi cho Vàng Sáu, Trưởng thôn Hồng Ngài, tôi nghe giọng anh đầy phấn khởi: Đường vào Hồng Ngài giờ được đổ bê tông rồi anh ạ, từ Y Tý vào thôn chỉ mất 40 phút thôi!

Nghe anh Sáu khoe, tôi cũng vui lây vì niềm mơ ước bao đời của hàng trăm hộ người Dao ở Sim San, người Mông ở Hồng Ngài đã trở thành hiện thực. Khi trò chuyện với anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, anh cũng bảo đây là dự án hoàn thành vào cuối năm 2021. Quả thực, con đường bê tông mới đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đoạn Sim San - Hồng Ngài đã xong, chỉ còn khoảng 3 km qua thôn Sín Chải nữa là hoàn thành.

Từ trên cao nhìn xuống, con đường đẹp như dải lụa uốn lượn qua các thôn Lao Chải, Sín Chải, vào đến Sim San 1, Sim San 2 rồi tới Hồng Ngài. Từ mùa xuân năm nay, Hồng Ngài không còn là “ốc đảo” hoang vắng nữa. Trên con đường mới, bà con sẽ nô nức đi chợ Y Tý, Trịnh Tường, xuống thành phố Lào Cai du xuân, còn du khách bốn phương cũng dễ dàng đến với bản Mông nơi tận cùng biên giới ngắm hoa đào nở.

Khát vọng ở bản “đá đỏ”

Trở lại Hồng Ngài hôm nay, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự thay đổi của mảnh đất này. Dọc đường vào thôn không chỉ có 1 ngôi nhà xây như cách đây 6 năm, mà đã có gần chục ngôi nhà xây mới 1 tầng, 2 tầng khang trang, nước sơn tươi tắn. Nổi bật hơn cả là nhà văn hóa thôn được xây kiên cố với màu xanh hòa hợp với phong cảnh núi rừng. Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn cả là câu chuyện về những con người tạo nên sức sống mới cho mảnh đất này. Đó là những cán bộ người Mông đầy sức trẻ, sáng tạo và nhiệt huyết, dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm.

Vàng Sáu, Trưởng thôn Hồng Ngài năm nay mới 25 tuổi, nước da trắng, tác phong nhanh nhẹn, anh là người năng động, nhiều ý tưởng mới, luôn nghĩ cách làm giàu cho bà con trong thôn. Vàng Sáu bảo: Bao năm qua bà con ở đây vẫn trông vào cây ngô, cây lúa, cây thảo quả, nhưng để làm giàu thì cần phải thay đổi tư duy, cần có những mô hình mới. 2 năm trước, tôi cùng Bí thư Chi bộ Vàng Sáo và các đảng viên trẻ đưa cây hoàng sin cô về trồng tại thôn, giúp bà con thu 70 tấn củ, bán được 500 triệu đồng. Năm nay, bà con trồng 15 ha hoàng sin cô, hiện đang thu hoạch, dự kiến được 150 tấn củ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá củ hoàng sin cô giảm hơn năm trước, nhưng cũng thu được khoảng 700 triệu đồng.

Hồng Ngài có khí hậu thích hợp để phát triển cây ăn quả ôn đới.

Cùng với trồng hoàng sin cô, Hồng Ngài có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc. Cả thôn có hơn 60 hộ nhưng có tới 150 con trâu, 80 con ngựa. Đầu năm 2021, khi huyện Bát Xát triển khai mô hình nuôi ngựa, các đảng viên trẻ ở Hồng Ngài còn mạnh dạn vay 500 triệu đồng mua hơn 30 con ngựa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Trò chuyện với Bí thư Chi bộ Vàng Sáo, tôi nghe anh báo tin vui là đã có những con ngựa đầu tiên ra đời từ mô hình này. Theo anh Sáo thì Y Tý đang xây dựng đô thị du lịch, Hồng Ngài đã có đường bê tông, nhiều đoàn du khách vào thôn chơi, khám phá bản làng, thác nước, rừng nguyên sinh. Người dân Hồng Ngài cần nắm cơ hội này để phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, phục vụ du khách, nâng cao thu nhập.

Cũng ở Hồng Ngài, tôi còn được gặp những gương mặt trẻ người Mông khác đang từng ngày cống hiến công sức, trí tuệ làm giàu cho mảnh đất này. Đó là thầy giáo trẻ Vàng A Má tranh thủ ngày thứ 7, Chủ nhật dạy thêm cho học trò nghèo lớp 1, lớp 2. Đó là đảng viên trẻ Sùng Thị Như, sinh năm 1993, quê ở Bắc Hà về Hồng Ngài làm dâu, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Tý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hồng Ngài có những sáng tạo trong việc cải tạo hủ tục, giúp phụ nữ Hồng Ngài ngày càng tiến bộ. Chính họ với khát vọng của tuổi trẻ đang thắp lên một mùa xuân mới nơi vùng đất tận cùng biên giới Lào Cai.

Đón tết nơi đầu nguồn biên giới

Đến mảnh đất Hồng Ngài những ngày cuối năm, dù ở đâu đó tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, nhưng với Hồng Ngài, chúng tôi vẫn cảm nhận được nhịp sống bình yên vốn có. Mặc dù giáp với nước bạn Trung Quốc, nhưng trong 2 năm qua, trong thôn không xảy ra tình trạng người dân xuất - nhập cảnh trái phép, cũng không xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật, đặc biệt là không có người nhiễm Covid-19.

Đứng dưới hàng cây đào cổ thụ đang nở những bông hoa đầu mùa, Trung tá Trần Văn Dương, cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, Tổ trưởng Tổ công tác địa bàn Hồng Ngài vui hơn bao giờ hết khi thấy đời sống đồng bào Mông nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thời gian trôi nhanh quá, vậy là anh đã gắn bó với Hồng Ngài 4 năm rồi, giờ lại chuẩn bị bước sang một mùa xuân mới. 15 giờ, tôi cùng Trung tá Dương vào thăm cột mốc 85. Cột mốc nằm sâu trong rừng, đường đá cấp phối và đường mòn dài 6 km, ngày nắng đi xe máy đã quá khó khăn, vất vả, còn ngày mưa, sương mù thì chỉ có thể đi bộ. Vậy nhưng các anh vẫn nỗ lực vượt qua, luôn chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc...

Buổi tối ở Hồng Ngài đến sớm hơn những nơi khác, mới 17 giờ, trời đã tối và rét buốt như kim châm, ngoài trời sương mù, nhiệt độ dưới 10 độ C. Ngồi bên bếp lửa hơ tay cho đỡ rét, Trung tá Dương kể về những kỷ niệm ở Hồng Ngài. Dù vợ con đang sinh sống ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nhưng đây là tết thứ 3 anh xa gia đình, đón tết nơi đầu nguồn biên giới. “Ngày tết ai cũng muốn được đoàn tụ với gia đình trong cảnh ấm áp và hạnh phúc, mình lại phải xa vợ, xa con, sao không nhớ nhung. Tết ở đây vừa rét, vừa nhớ nhà, nhưng những người lính biên phòng như chúng tôi vẫn thấy ấm lòng vì được đón tết cùng bà con dân bản như trong một gia đình”.

Trung tá Dương còn kể chuyện theo truyền thống người Mông ở Hồng Ngài, nhà nào cũng nuôi sẵn một, hai con lợn to đến hàng trăm kg để ăn tết. Trên này giá rét, con lợn nào lông cũng dài cả gang tay, nanh nhọn, da dày, thịt đỏ au như lợn rừng. Từ ngày 27, 28 tết, bà con đã nô nức mổ lợn, rồi mời anh em, làng xóm, bộ đội biên phòng đến ăn tết cùng. Ngày tết, bà con lại đến tổ công tác chúc tết và ăn tết cùng bộ đội. Những cái tết ở Hồng Ngài, nơi đầu nguồn biên giới xa xôi sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người lính biên phòng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352572-thenh-thang-hong-ngai