Theo anh vượt sóng về nhà - Kỳ 1: Gặp anh giữa muôn trùng sóng

261 và 263 - những con tàu đưa theo hai đoàn công tác đi thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ thuộc DK1, vùng 2 Hải quân dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những 'con tàu sóng', những 'con tàu gió', những con tàu mà chúng tôi vẫn nói với nhau - Chắc cả đời không bao giờ quên được - rẽ sóng ra khơi mùa biển động. Mọi người gọi đó là những con tàu chở mùa xuân của đất liền ra thăm nhà giàn, nhưng với tôi thì khác.

Đất liền giờ này đang ngập xuân, tràn xuân. Như mọi vòng quay của thời gian, mùa đầu năm này ai nấy đều nô nức không khí khởi đầu. Thênh thang bước trên những đường phố quen, tôi thấy chân mình vẫn dập dềnh sóng vỗ. Hành trình hơn 700 hải lý đường biển trong suốt 15 ngày cận Tết đến với 4 bãi cạn, qua 10 nhà giàn thuộc DK1 vùng 2 Hải quân, thăm 2 tàu trực trên biển vẫn khiến tôi nao nao nhớ biển, nhớ tàu, thấm thía từng đợt sóng mạnh và nhớ những ngôi nhà trên biển, nơi các anh nói: Em vừa đi qua nhà của anh đấy!

Mênh mông sóng dẫu gần mà xa quá…

Bước lên tàu, tôi không ngờ trong hải trình của mình có những người lính đang cùng về nhà, nơi họ sẽ nhận nhiệm vụ, công tác trong thời gian dài sắp tới. Đó là đồng chí Lâm, đồng chí Hoàng, đồng chí Thực… Các anh, chính là những người cùng chúng tôi vượt sóng, đưa chúng tôi về thăm nhà của các anh, giữa mênh mông biển trời.

Tàu 261 do Đại tá, Phó Tư lệnh vùng 2 Hải quân Đinh Văn Thắng làm trưởng đoàn xuất phát từ cảng Long Sơn, Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến hành trình hơn 730 hải lý (ước tính bằng khoảng hơn 1.300 km dường bộ) qua 4 bãi cạn: Phúc Tần, Quế Đường, Huyền Trân và Ba Kè. Đoàn công tác hơn 50 người gồm cán bộ, chiến sĩ vùng 2 Hải quân, các PV, nhà báo, các đại biểu từ một số đơn vị... sẽ trao đến 10 nhà giàn, hai tàu trực trên biển những món quà xuân, để cán bộ, chiến sĩ trên giàn có thêm hương vị Tết từ đất liền, đón xuân mới với sự yêu thương, gửi gắm tình cảm từ đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Để đi đến được những ngôi nhà trên biển, để có thể lên được nhà của các anh, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đầu tiên là chuẩn bị sức khỏe. Tiếp đó là chuẩn bị tâm thế trước những cơn sóng lớn. Với kinh nghiệm đi biển, dẫn đoàn nhiều năm, cả Đại tá Đinh Văn Thắng - trưởng đoàn và Thượng tá Nguyễn Đình Lịch, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 – Chỉ huy trưởng hành trình đã dự báo: Chuyến đi này chắc sẽ nhiều vất vả, theo dự báo sóng những ngày tới, có những hôm sẽ cao hơn 6m.

Sóng cứ lớp lớp nối nhau, chúng tôi đến bãi cạn đầu tiên, bãi cạn Phúc Tần trong buổi sáng trời mưa lất phất, biển dập dềnh, tàu nghiêng ngả. Mệt thì mệt, nhưng tất cả đều sẵn sàng, trang nghiêm cho lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên vùng biển DK1 trong suốt chiều dài đấu tranh giữ biển, bảo vệ biển của dân tộc. Cả đoàn hơn 50 cán bộ, PV, đại biểu đứng hàng nối hàng, tay khoác vào nhau để không bị xô đi trước các cơn sóng mạnh.

Giữa trời biển bao la quê hương mình, những người lính ở đây và cả chúng tôi không thể quên câu chuyện về những anh hùng đã hi sinh trong bão tố, như Thượng úy Nguyễn Hữu Quang nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất; Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên trước sự tàn khốc của bão tố vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn hay hành động cố gắng đến cùng để giữ vững liên lạc với đất liền khi nhà giàn đổ của liệt sĩ Chuẩn úy Lê Đức Hồng - anh đã mãi mãi ra đi và chỉ kịp gửi lời chào vĩnh biệt đất liền qua bộ đàm…

Trong tiếng mưa lất phất, từng cành hoa thả xuống mặt biển, sóng Tổ quốc mình ôm ấp các anh. Các anh xa mãi, nhưng biển trời, từng tấc đất của Tổ quốc mình mãi mãi vững bền.

Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trên các nhà giàn thuộc DK1 được tổ chức trang trọng trên tàu 261 trong chuyến thăm, chúc Tết xuân Canh Tý 2020. Ảnh: P.T

Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trên các nhà giàn thuộc DK1 được tổ chức trang trọng trên tàu 261 trong chuyến thăm, chúc Tết xuân Canh Tý 2020. Ảnh: P.T

Biết có anh và vững tin hơn

Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20 Ba Kè là người tôi phỏng vấn đầu tiên khi lên tàu. Anh là một trong ba cán bộ nhận nhiệm vụ ra nhà giàn thay quân đợt này. Vừa trò chuyện, anh vừa bảo: “Chắc lần này các em khó có thể lên được nhà của anh, biển mùa này động quá, có lẽ phương án tốt nhất cho anh là bơi theo phao vào giàn”. Trung tá Nguyễn Văn Lâm đã gắn bó với biển ngót 20 năm, trải dài từ Trường Sa vùng 4 đến các nhà giàn DK1 vùng 2. Số lần anh bơi vào nhà giàn đã nhiều chẳng còn nhớ nổi. Đúng như dự báo của anh, tàu qua DK1/20, nhưng sóng quá lớn, chúng tôi không thể lên được, các phương án chuyển quà qua dây, chúc Tết qua loa lại được thực hiện, cán bộ, chiến sĩ trên DK1/20 đã sẵn sàng đón đoàn lên thăm rồi, đứng trên tàu, chúng tôi còn nhìn rõ từng tàu lá chuối của nhà giàn, nhìn rõ bàn tay các anh đang vẫy tàu, gần gũi thế mà sao xa quá…

Từng gói hàng được chuyển theo dây nối nhau vào nhà giàn, sau khi hết các chuyến hàng, đến lượt Trung tá Lâm sẽ mặc áo phao bơi vào nhà DK1/20. Đứng trên mũi tàu chỉ huy, Đại tá Đinh Văn Thắng – trưởng đoàn công tác hét lớn qua loa: “Đồng chí Lâm mặc áo phao, cầm theo dây thật chắc chắn vào hẵng nhảy xuống nước, sóng rất lớn, nếu chủ quan, đồng chí sẽ bị hất ngược vào thành tàu đấy”. Trung tá Nguyễn Văn Lâm đứng bên mạn thuyền, anh ngẩng lên cười hiền: “Thưa thủ trưởng, rõ!”.

Trung tá Lâm cầm theo dây nhảy xuống đầu con sóng bạc đầu dâng lên, cả người trên giàn và người trên tàu đều dõi theo anh từng phút, có tiếng hò reo, có tiếng cổ vũ, các đồng nghiệp báo chí không bỏ lỡ khoảnh khắc nào để ghi lại hình ảnh anh bơi vào nhà giàn. Lúc một bàn tay anh nắm được vào thang sắt, bàn tay còn lại được các đồng nghiệp nắm lấy kéo lên, tôi thấy mắt mình nhòa đi. Bên cạnh, nhiều đồng nghiệp vừa buông máy quay, vừa buông máy ảnh đã vội đưa tay lên lau nước mắt. Chúng tôi chỉ kịp hét lên cùng lúc tiếng tàu kéo còi, rằng: “Anh Lâm ơi ở lại nhé, các anh ơi, ở lại mạnh khỏe nhé”.

Tàu rời nhà giàn, bóng chiều vàng cuồn cuộn dâng lên, lòng chúng tôi cũng trào lên những cảm giác không thể gọi tên thành lời. Nhà của các anh ở mênh mông biển trời, chúng tôi đã phải đi rất lâu mới đến được, đã đứng rất gần mà cảm giác không thể cùng anh lên nhà, không thể gửi một cái ôm từ đất liền, không thể ngồi với nhau dù chỉ uống chung một chén trà trên giàn… thật nhiều chơi vơi và nhiều tiếc nuối… Nhưng chúng tôi vẫn vững lòng, vì có những người như các anh ở đây, luôn ngày đêm giữ biển cho Tổ quốc.

Khóc cho những lần đầu tiên xúc cảm

Có ai đó sẽ bảo, tôi thi vị hóa những trang viết về lính. Thực ra tôi còn sợ ngòi bút của mình không thể truyền tải được hết những gì mình đã chứng kiến ở nơi xanh biển, xanh trời ấy. Đồng nghiệp Minh Thu của chúng tôi ở Đài PTTH Phú Thọ, trước ngày Trung tá Nguyễn Văn Lâm bơi lên giàn có phỏng vấn anh, vừa phỏng vấn vừa khóc khi nghe anh kể câu chuyện cuộc đời. Trong khi Trung tá Lâm vẫn thế, anh nói ít, cười hiền hòa: “Anh quen rồi, anh ở đảo khi vợ sinh con đầu lòng, giờ con lớn rồi anh vẫn ở đảo”. Minh Thu khóc không ngừng. Cũng đúng thôi, đó là lần đầu tiên đồng nghiệp của tôi ở giữa mênh mông biển, trước các cơn sóng dữ, nhưng cũng lần đầu tiên được gặp những người như Trung tá Lâm, với nhiệm vụ, các anh luôn lạc quan, sẵn sàng và hết lòng phụng sự Tổ quốc.

(Còn nữa)

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/theo-anh-vuot-song-ve-nha-ky-1-gap-anh-giua-muon-trung-song-178356.html