Theo chân CSGT “bắt” ma men

Tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia vẫn là một vấn nạn chưa thể giải quyết rốt ráo bởi ý thức của người tham gia giao thông quá kém.

"Xưng danh" quan hệ

21 giờ, như thường lệ, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Chợ Lớn, Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên tuyến đường Hồng Bàng, Lý Thường Kiệt (quận 5). Chỉ trong 20 phút, hàng chục trường hợp đang điều khiển phương tiện được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì hầu hết đều vượt tiêu chuẩn 0,25 ml/lít khí thở. Trung tá Nguyễn Ngọc Thơ, Đội CSGT Chợ Lớn, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Công an TP.HCM, chúng tôi tập trung kiểm tra nồng độ cồn từ tháng 6 đến nay đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng để giải quyết dứt điểm lỗi vi phạm này cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp”.

Lực lượng CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển giao thông.

Theo trung tá Thơ, việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định là một biện pháp cần thiết. Thế nhưng, việc chuyển biến nhận thức của người dân về những tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông mới là một giải pháp căn cơ.

Trong khi hiện nay tình trạng ăn nhậu vẫn tràn lan, nhiều quán nhậu vẫn mở cửa “thâu đêm suốt sáng”, hoạt động nhộn nhịp trên nhiều tuyến đường. Lực lượng CSGT lại mỏng, việc kiểm tra nồng độ cồn khá phức tạp, mất nhiều thời gian vì có nhiều trường hợp sẵn trong người có “hơi men” không tuân thủ yêu cầu kiểm tra, nhiều trường hợp không chịu thổi vào ống hoặc thổi không đúng cách… thậm chí cự cãi, “xưng danh” có mối quan hệ thân quen với đủ loại lãnh đạo để gây áp lực. “Chúng tôi gặp thường xuyên những trường hợp này và mất khá nhiều thời gian để giải thích. Còn đối với mấy trường hợp “xưng danh” này kia, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý đúng pháp luật. Nhiều trường hợp chúng tôi phải quay phim để có bằng chứng” - trung tá Thơ cho biết.

Anh Hoàng Thanh Hải bị gãy xương chân, vai, tay TNGT do bia rượu đang điều trị tại BV Cấp cứu Trưng Vương

Mặt khác, nhiều người vi phạm luật giao thông lại không nắm rõ Luật Giao thông đường bộ. Anh B.V.T, một người vi phạm về quy định nồng độ cồn, sau khi được chiến sĩ CSGT cho xem kết quả nồng độ cồn trong khí thở của mình ở mức “0,469 ml/khí thở” gần gấp đôi so với quy định, liền nói: “Đó! Em đâu có xỉn đâu. Chưa vượt mức quy định mà. Uống có 4 chai bia đâu có nhằm nhò gì”. Trong khi đó, nhiều trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn khác thì cùng “điệp khúc”: “Trước giờ đi nhậu bằng xe máy quen rồi, tiền đâu mà đi taxi. Bị bắt thì chịu thôi, coi như mình xui xẻo”.

Ân hận thì đã muộn

Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM, cho biết: Có đến 70% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào buổi tối các ngày cuối tuần, khi lượng người ăn nhậu rồi tham gia giao thông tăng cao. Trong khi đó, dịch vụ kinh doanh bia rượu về đêm lại tràn lan, khó kiểm soát. Còn theo thống kê của bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tiếp nhận 670 trường hợp TNGT. Trong đó có liên quan trực tiếp đến rượu bia là 49 trường hợp, chiếm 7,3%.

Việc chuyển biến nhận thức của người dân về những tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông mới là một giải pháp căn cơ.

Tại khoa Ngoại chấn thương, bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nhiều nạn nhân của bia rượu đều ân hận vì những cuộc vui “quá chén” đã gây ra những hệ quả khó lường và hầu hết những nạn nhân đều trong độ tuổi lao động, thậm chí là còn trụ cột kinh tế của gia đình. Anh Trần Quốc Hùng, 36 tuổi, ân hận nói: “Chỉ vì rượu bia mà gần 8 năm qua, tôi đã làm khổ vợ con. Từ một trụ cột kinh tế gia đình mà giờ đây bao nhiêu gánh nặng lo toan cuộc sống, chưa kể tiền thuốc men, điều trị đều đặt lên đôi vai của vợ tôi. Tôi chỉ muốn nói với mọi người phải biết kiểm soát bia rượu. Đừng quá chén để rồi ân hận như tôi”.

Vào tháng 11/2005, anh Hùng bị TNGT gãy xương cả hai phần đùi trên. Sau khi nối liền phần xương đùi bị gãy, anh Hùng chưa thể vận động đi lại và việc hồi phục chức năng cho đôi chân mất rất nhiều thời gian. Hiện tại, anh đang được các bác sỹ tháo vít ở xương đùi và tập vật lý trị liệu.

Theo thượng tá Trần Thanh Trà, để kéo giảm TNGT do rượu bia, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung vào các lỗi vi phạm nồng độ cồn, vượt tránh sai quy định…, cần tiếp tục triển khai việc kiểm tra hành chính từ 23 giờ hàng đêm tại các khu vực trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều quán ăn uống, kinh doanh rượu bia. Ngoài ra, thành phố cần xem xét biện pháp quản lý việc kinh doanh bia rượu sau 23 giờ. Trước đó, Phòng CSGT đã đề nghị nên cấm kinh doanh bia rượu sau 23 giờ để hạn chế tai nạn do bia rượu gây ra khi người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ phải thường xuyên thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tập trung tuyên truyền cho đối tượng từ 18 - 33 tuổi để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Bài và ảnh: Anh Đức

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phap-luat/theo-chan-csgt-bat-ma-men-20130805061202948.htm