Theo dấu chân Bác (bài 2)

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng tôi đã thực hiện chuyến đi theo hành trình của Bác Hồ trên vùng đất cách mạng Cao Bằng năm xưa. Từ hang Cốc Bó tới xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình sang tới huyện Thạch An, nơi nào cũng để lại dấu chân Bác với những câu chuyện về nhân cách sáng ngời, tư tưởng còn nguyên giá trị thời đại của Người.

Bài 1: Về nơi khởi nguồn cách mạng

Bài 2: Bóng hình Bác còn mãi nơi đây

Nhìn từ xa, núi Báo Đông nhô cao nhất trong dãy núi trùng điệp ở vùng biên ải Thạch An, Cao Bằng. Trên đỉnh núi này, Bác Hồ đã ngồi quan sát, chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê, trận mở màn Chiến dịch Biên giới (CDBG) năm 1950. 70 năm đã trôi qua, nhưng bóng hình Bác vẫn còn mãi nơi đây.

Từ đỉnh núi Báo Đông có thể quan sát một vùng biên ải rộng lớn. Ảnh: Bích Nguyên

Bác đi chiến dịch

Tôi hỏi tên núi Báo Đông nghĩa là gì, anh Nông Văn Dũng, Bí thư chi bộ thôn Bản Mới, xã Đức Long cười bảo rằng, không rõ nghĩa nhưng có một điều anh chắc chắn là người dân ở đây luôn giữ gìn, bảo vệ dãy núi này. “Mọi người đều tự hào vì được sinh ra, lớn lên ở đây. Ngày ngày ngước nhìn lên đỉnh núi, chúng tôi có cảm giác như Bác Hồ vẫn đang ngồi đó, dõi theo từng nhịp sống của đồng bào” - Anh Dũng tâm sự.

Sau 70 năm, dấu tích của những công trình đơn sơ liên quan đến CDBG vẫn còn nguyên vẹn. Đó là Sở Chỉ huy chiến dịch, Ban Tác chiến, Ban Quân báo, nơi hội họp bàn trận đánh và các khu tổng đài thông tin liên lạc, khu hậu cần phục vụ chiến dịch. Tôi ngỏ ý muốn leo lên đỉnh núi Báo Đông, anh Dũng nhìn tôi ái ngại, nói: “Đường lên núi cao và dốc, chỉ sợ nhà báo không đủ sức”. Câu nói của anh Dũng vô tình khiến tôi thêm quyết tâm chinh phục ngọn núi này.

Đường lên núi ẩn dưới tán rừng xanh mát. Thiếu tá Nông Hồng Mưu, cán bộ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng giới thiệu: “Con đường này do một đơn vị quân đội làm, có hơn 800 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa Xuân của Bác. Từ ngày có bậc thang này, việc lên núi dễ dàng hơn nhiều”. Dẫu vậy, tôi vẫn thở dốc khi mới đi được 1/3 quãng đường. Có leo núi mới cảm nhận được sự vất vả, gian nan của Bác Hồ, bởi khi xưa, nơi này không có đường, đá tai mèo sắc nhọn.

“Còn một đoạn nữa là tới hang Cuông. Lên tới đó, ta dừng chân nghỉ một lúc” - Anh Mưu động viên tôi. Chui qua vòm hang, phía trước mắt tôi là một khoảng không gian mênh mông. Ngay trước cửa hang là tấm bia đá khắc bài thơ bằng tiếng Hán “Lên núi” do Bác Hồ viết khi lên núi quan sát trận địa. Anh Mưu khe khẽ đọc: “Chống gậy lên non xem trận địa. Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây. Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu. Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Tôi có cảm nhận ngay lúc này đây, khí thế hùng dũng của quân dân ta thuở nào ùa về.

Từ điểm dừng chân này, men theo sườn núi đá cheo leo, hiểm trở thêm vài trăm bậc thang nữa, chúng tôi đã đến được đài quan sát năm xưa. Cụm tượng đài được tái hiện theo bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Bác ngồi giữa, trên tảng đá nhô cao, người cầm điện thoại là chiến sĩ tên Minh, một học viên khóa 5 của trường Lục quân; người cầm ống nhòm là đồng chí Phạm Chước (tức Phạm Thái Kiên), Trưởng đài quan sát mặt trận Đông Khê; người ngồi vị trí ngoài cùng là đồng chí Võ Viết Định (Chu Phương Vương), bảo vệ của Bác. Phong thái của Bác thật ung dung, điềm tĩnh.

Chúng tôi nhìn theo hướng mắt nhìn của Bác Hồ. Một dải biên ải bao la hiện ra trước mắt. Các dãy núi nối tiếp, hàng hàng, lớp lớp, trùng trùng, điệp điệp như giăng màn. Phía dưới là bản làng bình yên của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng... Anh Mưu chỉ tay, nói với tôi: “Phía xa kia là Đông Khê, Lạng Sơn. Tính từ lúc mở màn, sau 54 giờ chiến đấu ác liệt, 10 giờ, ngày 18-9-1954, bộ đội ta đã làm chủ Đông Khê”.

Quân dân một lòng theo Người

Xuống núi, chúng tôi tới thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng CDBG. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà sàn hiện đại tại bản Nà Lạn, xã Đức Long đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 25-12-2017. Trong đó, trưng bày 63 hình ảnh tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong CDBG năm 1950 và một số hiện vật khác như: Súng, đạn cối, chảo nấu ăn, sa bàn điện tử...

Những hiện vật trưng bày tại Khu nhà tưởng niệm giúp chúng tôi hình dung rõ hơn về sự đồng lòng của quân và dân ta cũng như diễn biến chính của CDBG. Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 của quân ta, Chính phủ Pháp lập kế hoạch Rơ-ve để phong tỏa biên giới. Tại Cao Bằng, Pháp tập trung củng cố hệ thống các cứ điểm và đồn bốt quân sự trên Quốc lộ số 4 từ thị xã Cao Bằng đến Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn.

Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở CDBG. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch. Ngày 2-9-1950, trước khi mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi động viên, khích lệ quân dân đoàn kết lập công. Người cũng gác lại nhiều công việc hệ trọng, trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân dân chiến đấu. Người đã đi từ Bắc Kạn qua núi Phia Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), xuyên qua các huyện Hòa An, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, đến Thạch An là chiến trường chính của chiến dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, buộc địch phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động”.

Trong Nhà tưởng niệm trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử liên quan đến Chiến dịch Biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Đúng như nhận định của Người, sau 29 ngày đêm chiến đấu, từ ngày 16-9 đến 14-10-1950, CDBG thắng lợi, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên giặc, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của Pháp trên toàn cõi Đông Dương, thu 3.000 tấn vũ khí và các phương tiện chiến tranh, giải phóng vùng đất biên giới rộng lớn dài 750km với hơn 35 vạn dân. Cánh cửa biên giới đất nước đã được khai thông với các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy quân Pháp vào thế bị động, đưa cuộc kháng chiến của nước ta sang giai đoạn nắm thế chủ động trên chiến trường.

Kết thúc CDBG, Bác Hồ đã ra ngay vùng đất vừa giải phòng, về Lam Sơn (Hòa An, Cao Bằng) để tổng kết. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm đã được vinh danh. Đó là bà Đinh Thị Dậu, dân công huyện Thạch An, đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, cõng thương binh về hậu cứ cứu chữa trong trận đánh cứ điểm Đông Khê. Là đồng chí Triệu Thị Soi (huyện Trùng Khánh), dân công hỏa tuyến phục vụ mặt trận Đông Khê. Là chiến sĩ La Văn Cầu, người con của huyện Trùng Khánh dũng cảm nhờ đồng đội dùng lưỡi lê cắt cánh tay bị thương dính lủng lẳng để tiếp tục chiến đấu... Năm 1952, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hành trình đi theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp chúng tôi hiểu thêm về niềm tin tất thắng, khát vọng độc lập cho dân tộc của Người. Hào khí của quân và dân ta 70 năm trước như đang vang vọng non sông.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/theo-dau-chan-bac-bai-2-post428727.html