Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) vụ mùa thu đông sản xuất trong thời gian bị đe dọa bởi các hiện tượng thiên tai, như: mưa, bão, lũ, triều cường… Do đó, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL quan tâm, hướng dẫn nông dân sản xuất theo kế hoạch, giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng...

Lúa thu đông được sản xuất, phát triển tốt trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thiên tai gây thiệt hại nặng cho sản xuất

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm 2021, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước và làm 25 người chết, 31 người bị thương; 76 nhà sập hoàn toàn, 4.664 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 4.307 gia súc, gia cầm bị chết; 67.496ha lúa, rau màu và 462ha cây ăn trái bị thiệt hại; 749m đường giao thông sạt lở, với khối lượng đổ sụp khoảng 15.985m3 đất đá, bê tông… Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 132 tỉ đồng. Ở ÐBSCL, từ đầu năm đến nay, các loại thiên tai xảy ra gồm: xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và mưa lớn kèm theo lốc xoáy, sấm sét... gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai đã kịp thời huy động lực lượng, vật chất hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Tại TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 5 đợt lốc xoáy ở huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, quận Ô Môn và Thốt Nốt, làm sập 3 căn nhà, tốc mái 10 căn nhà, ước thiệt hại tài sản khoảng 285 triệu đồng. Sạt lở bờ sông xảy ra 13 điểm ở quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và huyện Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh, làm sạt xuống sông hoàn toàn 5 căn nhà, 35 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài sạt lở 317m, thiệt hại tài sản khoảng 3,8 tỉ đồng… Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: “Tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai được UBND TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người dân bị ảnh hưởng… Mùa mưa bão, lũ, triều cường sẽ diễn ra trong những tháng sắp tới. Do đó, công tác phòng tránh thiên tai, hạn chế ảnh hưởng tính mạng, tài sản và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố rất cần sự tập trung quyết liệt, thực hiện nghiêm của các ban, ngành thành phố và các quận, huyện…”.

ÐBSCL đang triển khai xuống giống vụ lúa thu đông 2021, đây là vụ lúa được đánh giá có khả năng chịu ảnh hưởng lớn do mưa bão, lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường lên cao. Theo kế hoạch, vụ lúa thu đông này vùng ÐBSCL gieo sạ 700.000ha; năng suất 55,19 tạ/ha, tăng 0,11 tạ/ha so với cùng kỳ 2020; sản lượng ước đạt 3.864.000 tấn. Ở TP Cần Thơ, đến nay lúa thu đông 2021 đã xuống giống dứt điểm, với diện tích 58.923ha, đạt 101% so với kế hoạch. Lúa thu đông chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh và phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Vụ lúa này, thành phố cũng như các địa phương trong khu vực ÐBSCL tăng cường ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, với mục tiêu hạn chế tác hại do thiên tai, giảm giá thành và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm...

Tránh lũ về sớm

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, lũ thượng nguồn sông Mekong năm nay sẽ về sớm, với dự báo lưu lượng cao hơn so với những năm gần đây. Theo đó, cuối tháng 7-2021, mực nước dự báo đạt 2-3m tại Tân Châu, mực nước lũ đầu vụ ở mức không cao, chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn, như: huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân (tỉnh An Giang); huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng (tỉnh Ðồng Tháp). Ðến giữa tháng 8-2021, mực nước lớn nhất có khả năng đạt 2,4-2,8m, cuối tháng 8 đạt 2,8-3,2m. Với mức lũ đầu vụ như dự báo, ít có nguy cơ ảnh hưởng đến các diện tích sản xuất trong ô bao, các diện tích sản xuất ngoài ô bao có nguy cơ ảnh hưởng, do đó, các địa phương vùng ÐBSCL nên xem xét thời vụ xuống giống lúa thu đông thích hợp để phòng ngừa khi lũ xuất hiện, gây ảnh hưởng.

Khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2021, lũ chính vụ sẽ xuất hiện ở ÐBSCL. Mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu xấp xỉ trung bình nhiều năm, ở mức 3,4-3,8m, xấp xỉ đỉnh lũ năm 2019, cao hơn đỉnh lũ năm 2020 khoảng 0,5-0,9m. Tại các huyện đầu nguồn như: An Phú, Tân Châu (tỉnh An Giang); Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng (Ðồng Tháp) mực nước có thể diễn biến từ 3,4-4,3m, các khu vực khác mực nước lớn nhất dưới 3,4m. Nhìn chung, với mức lũ này khả năng hệ thống đê bao, bờ bao vẫn đảm bảo sản xuất, tuy nhiên cần gia cố các ô bao, bờ bao chưa đủ cao trình. Bên cạnh đó, với lũ chính vụ ở mức 3,4-3,8m, về cơ bản các diện tích sản xuất lúa trong ô bao kiểm soát lũ cả năm trên vùng thượng nguồn ÐBSCL đều an toàn. Tuy nhiên, năm 2021, triều cường được dự báo ở mức cao và khi kết hợp với lũ sẽ có nguy cơ gây mất an toàn đối với một số khu vực sản xuất thuộc vùng giữa (trong đó có TP Cần Thơ), vùng ven biển ÐBSCL. Với mức lũ chính 3,8m tại Tân Châu kết hợp đỉnh triều sẽ có khoảng 363 ô bao vùng giữa có nguy bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 65.408ha. Trong đó, tỉnh Ðồng Tháp có 6 huyện bị ảnh hưởng (gồm 60 ô bao, với diện tích 5.887ha), tỉnh Hậu Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (117 ô bao, với 28.866ha), tỉnh Tiền Giang có 2 huyện bị ảnh hưởng (12 ô bao, với 1.447ha), TP Cần Thơ có 3 quận huyện bị ảnh hưởng (gồm 44 ô bao, với 5.431ha), tỉnh Vĩnh Long có 4 huyện bị ảnh hưởng (gồm 126 ô bao, với diện tích 29.212ha), tỉnh Kiên Giang có 1 huyện bị ảnh hưởng (gồm 4 ô bao, với
diện tích 565ha)...

Ông Ðỗ Ðức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, nhấn mạnh: Các địa phương sản xuất vụ mùa thu đông cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước, chất lượng nước, ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương. Hiện nay, các bản tin tuần, tháng, mùa được thông tin đều đặn đến các cơ quan Trung ương và địa phương, hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành sản xuất và phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, các địa phương vùng ÐBSCL cần xây dựng phương án phòng, chống ngập, úng, lũ thượng nguồn đổ về, nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với diện tích lúa thu đông sản xuất ngay thời điểm bị đe dọa bởi lũ thượng nguồn sông Mekong...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/theo-doi-chat-che-thong-tin-du-bao-khi-tuong-thuy-van-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-a135786.html