Theo dõi phản ứng sau tiêm chủng để phòng biến chứng nặng

Thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ 1/1/2020 đến 30/6/2020, cả nước ghi nhận 9.918 trường hợp phản ứng thông thường và 21 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong số này, 20 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.

Việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn là vấn đề hết sức quan trọng..

Việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn là vấn đề hết sức quan trọng..

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (5), Sơn La (8), Thái Nguyên (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Đà Nẵng (1), Đắc Lắc (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1).

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận nguyên nhân, trong đó ghi nhận: 9 trường hợp do đặc tính cố hữu của vaccine (45%); 6 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (30%); 5 trường hợp không rõ nguyên nhân (25%)

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: Do chất lượng của vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.

Theo các chuyên gia y tế, nếu quay lưng với vaccine, không tiêm chủng, dịch xảy ra sẽ có hàng trăm trẻ đối mặt với tử vong. Còn khi tiêm vaccine, chúng ta phải chấp nhận 1 sự thật khoa học, ít nhất có 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp được tiêm, với bất cứ loại vaccine nào. Một cách hiểu đơn giản, tiêm vaccine là tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể. Và khi bị bệnh, cơ thể đã có đề kháng chống virus để không mắc bệnh. Tiêm vaccine là biện pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Tuy nhiên, vì là một chất lạ đưa vào cơ thể người, chắc chắn có phản ứng để sinh ra kháng thể. Ở một số rất ít, do cơ thể phản ứng quá mạnh, gây sốc phản vệ. Nhưng là vấn đề cơ địa nên rất khó để biết ai bị, ai không.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn là vấn đề hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Cụ thể, cán bộ y tế phải khám sàng lọc trước khi tổ chức buổi tiêm chủng. Nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc viêm long đường hô hấp, phải chủ động tư vấn không đưa trẻ đi tiêm chủng.

Trước buổi tiêm chủng, cán bộ y tế thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine. Trong buổi tiêm chủng, cán bộ y tế cần tiêm đảm bảo “5 đúng” là đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng vaccine, đúng liều lượng, đúng đường sử dụng. Cán bộ y tế phải tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc, theo dõi sau tiêm chủng. Hướng dẫn bà mẹ/người trực tiếp chăm sóc trẻ sau tiêm chủng biết cách theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà trong 1-2 ngày đầu. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh không tự ý dùng thuốc. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không dùng các loại thuốc lá, cây… đắp vào vị trí tiêm.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, cần theo dõi chặt chẽ phản ứng sau khi tiêm vaccine của trẻ. Cụ thể, sau tiêm chủng, cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Nhân viên y tế kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng. Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho trẻ vừa được tiêm ra về.

Cùng với đó, cần tiếp tục theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm... Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C: chườm trán, nách, bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ thường xuyên hơn. Ăn mặc thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Theo dõi nhiệt độ 3 giờ/1 lần. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C: Dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ. Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm mát để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ. Tránh chạm vào vết tiêm khi bế trẻ, không xoa dầu, chườm nóng hay nặn chanh, đắp khoai tây hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng chỗ tiêm.

Tất cả các trường hợp tiêm vaccine, cần đưa trẻ khám lại ngay khi: Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú; Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím; Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ; Sốt trên 3 ngày; Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước hơn 2 cm; Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên hơn 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ đi khám lại ngay.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/theo-doi-phan-ung-sau-tiem-chung-de-phong-bien-chung-nang-521820.html