Theo dòng lịch sử: Ngắm Continental Sài Gòn, khách sạn cổ nhất Việt Nam

Khách sạn Continental Sài Gòn vừa tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm hình thành và phát triển. Là khách sạn có tuổi đời lâu đời nhất Việt Nam, Continnental mang trong mình một giá trị lịch sử độc đáo, riêng biệt. Ngoài ra, nó cũng là biểu tượng cho sự thịnh vượng và đẳng cấp của thành phố Sài Gòn.

Khách sạn Continental Sài Gòn, 132-134 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Khách sạn Continental Sài Gòn, 132-134 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Bề dày lịch sử

Khách sạn Continental Sài Gòn được khởi công xây dựng năm 1878 bởi Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp. Mục đích là để cung cấp chỗ ở sang trọng đúng phong cách châu Âu cho những người Pháp khi vượt hàng ngàn hải lý tới Việt Nam.

Đến năm 1880, khách sạn Continental được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động.

Khách sạn Continental Sài Gòn những năm đầu thập niên 1900

Năm 1911, Continental được sang nhượng lại cho Công tước Montpensier. Từ năm 1930 đến 1975, khách sạn được điều hành bởi Mathier Francini. Trong thập kỷ 1960-1970, Continental mang tên ‘Đại Lục Lữ Quán’ theo yêu cầu sử dụng tên Việt của chính quyền đương thời.

Continental lúc mang tên Đại Lục Lữ Quán

Năm 1976, sau một năm đóng cửa, khách sạn được công ty Cung ứng Tàu biển quản lý và đặt tên là Hải Âu. Năm 1986, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nâng cấp khách sạn và cái tên Continental Sài Gòn được khôi phục như ngày nay.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên tuổi Continental gắn liền với dòng chảy của thành phố. Khách sạn đã vinh hạnh đón tiếp nhiều chính khách, nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới ghé qua và lưu trú. Trong đó phải kể đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore, người đạt Giải thưởng Nobel Văn học năm 1913; nhà văn Andre Malraux, tác giả tiểu thuyết ‘Thân phận con người’…

Đặc biệt, nhà văn người Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết ‘Người Mỹ trầm lặng’ đã giúp quảng bá hình ảnh khách sạn ra toàn thế giới khi tiểu thuyết được chuyển thể thành phim.

Continental Sài Gòn từng được gọi là ‘Đài Phát thanh Catinat’ vì đây là điểm hẹn quen thuộc của cánh nhà báo, phóng viên săn tin, các chính trị gia và doanh nhân tụ họp, bàn luận chuyện chính trị, làm ăn và thời cuộc. Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cùng nhiều bạn bè cũng là khách thường xuyên lui tới Continental. Quả không sai khi Mark PhillipYablonka, một phóng viên chiến trường người Mỹ đã ví: ‘nếu từng viên gạch của khách sạn Continental biết nói, chúng sẽ kể cho khách rất nhiều câu chuyện hấp dẫn…’

Khi lịch sử sang trang, khách sạn Continental tiếp tục là nơi lưu giữ dấu chân các chính khách nổi tiếng như ngài Jacques Chirac, Thị trưởng Paris, sau này trở thành Tổng thống Pháp; Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed và nhiều chính trị gia khác.

Những nét riêng trở thành di sản

Khách sạn Continental Sài Gòn mang phong cách trang nhã, phảng phất đường nét tinh tế của kiến trúc Pháp cổ.

Để giảm thiểu oi bức của khí hậu nhiệt đới, các kiến trúc sư của thập niên 1980 sử dụng gạch nung dày cho toàn bộ mái ngói và tường xây của công trình. Các phòng có diện tích rộng, trần cao 4 mét với ban công và hệ cửa sổ thông thoáng đón nhiều gió trời và ánh sáng tự nhiên. Nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris.

Khách sạn được sơn màu trắng để giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt vào mùa hè, đồng thời làm nổi bật sự vương giả và sang trọng của khách sạn.

Thiết kế tổng thể của khách sạn trên khuôn viên hình chữ nhật, ở giữa là khoảng sân rộng có ba cây hoa sứ trồng từ năm 1880 đến nay vẫn trổ hoa xanh tốt. Những đặc trưng này tạo nên cảm giác bình yên, độc đáo ngay giữa lòng thành phố năng động, nhộn nhịp.

Khoảng sân rộng với những cây sứ trên trăm tuổi

Khách sạn Continental Sài Gòn nằm hòa hợp trong quần thể kiến trúc Pháp cổ của thành phố, cùng với Nhà Hát Thành Phố (1898), Nhà thờ Đức Bà (1880), Bưu điện Thành Phố (1891), UBND TP Hồ Chí Minh (1898), Dinh Độc Lập (1966) và Chợ Bến Thành (1914). Đây là một điểm nhấn trong kiến trúc của khu vực trung tâm thành phố.

Trải qua 140 năm, kiến trúc của khách sạn không thay đổi đáng kể, vẫn giữ nguyên chiều cao khiêm tốn một trệt, ba lầu. Dù có chút thay đổi về cửa sổ nhưng phong cách vẫn như cũ, vừa sang trọng, lại xen lẫn nét uy nghi cổ kính.

Khách sạn có 86 phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 4 sao. Các phòng được bài trí sang trọng, theo phong cách cổ điển với chất liệu chính là gỗ, mang đến cảm giác ấm cúng. Có 6 loại phòng là: Superior, Deluxe Garden, Deluxe City, Opera Room, Opera Suite và Heritage.

Bài trí trong phòng Heritage

Không chỉ cung cấp chỗ nghỉ, khách sạn còn có 2 nhà hàng, 2 quầy bar và nhiều dịch vụ khác. Nhà hàng Continental Palace ở tầng trệt chuyên phục vụ các món Việt truyền thống. Nhà hàng Le Bourgeois sang trọng với lối trang trí theo phong cách cổ điển, phục vụ ẩm thực phương Tây đi kèm những giai điệu piano và violin du dương. Và ngay bên cạnh là quán cafe La Dolce Vita, một địa điểm quen thuộc của người thành phố và du khách tới thưởng thức đồ uống, bánh ngọt các loại và kem bất kì lúc nào.

Du khách thoải mái thưởng thức cafe và ngắm nhìn đường phố

Continental còn là sự lựa chọn lý tưởng để tổ chức các hội nghị, hội thảo cũng như tổ chức tiệc cưới của các cặp đôi. Hiện nay tại khách sạn có 3 sảnh chính được dùng để tổ chức tiệc cưới là: Bamboo Hall, Continental Palace và Continental Patio.

Khách sạn tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố. Đây là một điểm nghỉ ngơi lý tưởng, thuận tiện cho các du khách tới tham quan du lịch hay các doanh nhân đến thành phố công tác.

Với những giá trị của mình, năm 2010, Continental Sài Gòn được bình chọn là ‘Khách sạn mang ấn tượng Việt Nam’ trong chương trình ‘TP Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị’.

Năm 2012, khách sạn vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh chứng nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.

Ngoài ra, Continental luôn ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không ngừng phấn đấu và đã đạt được chứng chỉ Khách sạn xanh theo tiêu chuẩn ASEAN.

Hoài Thương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/theo-dong-lich-su-ngam-continental-sai-gon-khach-san-co-nhat-viet-nam-20180504224244498.htm