Theo lời Bác dạy, nữ thương binh hết mình vì cộng đồng

'Cát bụi cuộc đời, khi chết đi cũng không mang theo tiền bạc, nên khi sống phải sống sao cho xứng đáng', đó là quan niệm của bà Trương Thị Kim Anh, nữ cựu chiến binh, cũng là thương binh, luôn góp hết sức mình vì cộng đồng như lời Bác dạy 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

Bà Trương Thị Kim Anh (bên trái) kể về những năm tháng chiến tranh - Ảnh: VGP/Minh Trang

Bà Trương Thị Kim Anh tham gia đội biệt động từ những năm 1970 tại Đại Lộc (Quảng Nam) khi ở độ tuổi thiếu niên. Bà bị địch bắt tạm giam tại Hội An rồi bị chuyển vào Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Lâm Đồng).

Mang trên mình những thương tật trong các lần đối mặt với kẻ thù, sau ngày quê hương được giải phóng, bà được đi học tại trường quân y và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Năm 2009, bà cùng đồng đội là những cựu tù chính trị tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia vào Hội Cựu chiến binh và hiện là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh (CCB) Hòa Phú 1A, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Tuy sức khỏe có hạn, nhất là trong những ngày trái gió trở trời, vết thương tái phát, song bà vẫn miệt mài với những hoạt động vì cộng đồng.

“Cảm hóa thanh niên hư” vốn là một việc không dễ và cũng không mấy ai dám làm, nhưng bà Kim Anh đã nhận hỗ trợ cảm hóa 3 thanh niên vi phạm pháp luật và giúp các em tìm được những công việc làm ổn định, góp phần có ích cho xã hội.

Bà bảo: “Mình hãy xem mình là một người mẹ của các cháu, dù có hư có hỏng gì thì cũng không thể bỏ rơi các cháu được”.

Em N.M.P, một trường hợp sử dụng ma túy trái phép, là trường hợp đầu tiên mà bà Kim Anh nhận cảm hóa. Đang tuổi mới lớn, P bị bạn bè rủ rê thử và dính vào ma túy. Mọi người tránh xa nhưng bà Kim Anh thường xuyên tới tận nhà thăm hỏi, động viên, giúp P vượt qua những cơn nghiện. 6 tháng sau, P bắt đầu đỡ dần và sau một năm, P đã cai được ma túy thành công. Sau này, bà chủ động hỗ trợ cho P nguồn vốn ban đầu để mở trang trại nuôi gà và nay P đã có thu nhập ổn định từ trang trại trên.

Hay như trường hợp của em H.N.B, cũng nghiện ma túy do bạn bè rủ rê. Sáu tháng trời cảm hóa B là 6 tháng trời ngày nào bà cũng chở B đi học rồi chở về. Với sự kiên trì và tấm lòng của một người mẹ, bà Kim Anh đã đưa B thoát khỏi cơn nghiện. Sau khi cai nghiện thành công, B học nghề và trở thành một thợ tóc giỏi, có thu nhập ổn định. Vừa rồi, với sự động viên của bà Kim Anh, B đã đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.

“Có một cháu trước đây vi phạm pháp luật về trộm cắp, nay đã có việc làm tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Mới đây, có thêm cháu T.A.V, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bỏ học, giờ đã trở lại lớp học và được hỗ trợ sách vở học tập, cháu đã yên tâm đến trường và đang học lớp 10 THPT. Các cháu đều đã từ bỏ được những tệ nạn, quay đầu và biết vươn lên trong cuộc sống”, bà Kim Anh cười hạnh phúc.

Tận tâm với những hoàn cảnh nghèo khó

Tại ngôi nhà nhỏ trong kiệt Tô Hiệu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), hằng ngày, bà vẫn làm công việc của một “lương y từ mẫu”, kê khám, châm cứu cho các bệnh nhân khắp nơi tìm đến. “Người nào có tiền thì trả, có bao nhiêu cô lấy bấy nhiêu, ngoài tiền để trang trải cuộc sống gia đình, còn lại cô dành dụm sau này chi cho từ thiện”, bà nói.

Trải qua những ngày tháng gian khổ nên đi đâu gặp hoàn cảnh khó khăn là bà sẵn sàng trích một khoản tiền lương ra giúp đỡ. Có lần bà vào Bệnh viện Ung bướu tặng quà cho các bệnh nhân, biết bệnh nhân P.T.T. (quê ở Quảng Nam) sống neo đơn không người chăm sóc, từ hôm đó tối nào bà cũng vào viện chăm sóc, vệ sinh cho bà T và nhận nuôi một số bệnh nhân neo đơn khác.

Với tinh thần nghĩa tình đồng đội, bà đã vận động hội viên xây dựng quỹ hội, quỹ đồng đội được 55,5 triệu đồng, tạo điều kiện cho hội viên trong chi hội có nguồn vốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Bà nhận giúp đỡ 2 phụ nữ nghèo có xe nước mía làm phương tiện sinh kế; hỗ trợ 2 hội viên mở quán bán tạp hóa giải khát tại nhà, đến nay đã thoát nghèo, đồng thời đề xuất Hội cấp trên sửa chữa nhà ở xuống cấp cho 2 hội viên với số tiền 40 triệu đồng.

Hằng năm, từ số tiền tích cóp dành dụm, bà trực tiếp trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiễm chất độc da cam, cựu tù yêu nước già yếu, người neo đơn tại Bệnh viện Ung bướu...

Ông Đặng Hữu Hào, thành viên Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng, cho biết trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, bà Trương Thị Kim Anh đã tích cực vận động hội viên CCB và nhân dân khu dân cư thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh. Bản thân bà trích lương hưu mua 200 khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, xà bông và tặng 30 suất quà, mỗi suất 300.000 đồng cho hội viên CCB và nhân dân khu dân cư có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với những đóng góp của bà Trương Thị Kim Anh, Hội CCB Thành phố đã chọn bà là gương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để Trung ương Hội CCB trao thưởng dịp tới đây.

Với việc đóng góp tích cực cho cộng đồng như vậy, trong những năm qua, bà Trương Thị Kim Anh đã được UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng ma túy” cùng nhiều Bằng khen về phong trào thi đua “CCB gương mẫu” và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/theo-loi-bac-day-nu-thuong-binh-het-minh-vi-cong-dong/395972.vgp