Thép Hòa Phát xin nhận chìm 15,5 triệu m3 chất nạo vét: Bộ TN&MT nói gì?

Đến nay, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án) chưa được phê duyệt, mà mới được thẩm định….

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng đã ký công văn gửi Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Công văn của Quảng Ngãi dựa vào báo cáo của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thì khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (bao gồm cảng chuyên dùng) là 15,5 triệu m3.

Tại văn bản của tỉnh Quãng Ngãi cũng đưa ra việc “Nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát”.

Đồng thời, cũng báo cáo “Nhà đầu tư đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (có bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét) và đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua”.

Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án) chưa được phê duyệt....

Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án) chưa được phê duyệt....

Liên quan đến thông tin này, trao đổi với PV Infonet,ôngNguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án) đến nay chưa được phê duyệt, mới được thẩm định vì chủ đầu tư đang có phần giải trình, hoàn thiện thêm.

Theo ông Đồng, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án cũng đánh giá xây dựng nghiêm túc theo các quy định trong Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; cũng như Thông tư 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

“Tuy nhiên, riêng hạng mục nhận chìm vì ở ngoài biển nên cần phải có đánh giá kỹ và có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

Vì thế, Hội đồng đề nghị chủ đầu tư cần phải xin ý kiến của các cơ quan khoa học liên quan đến hiện trạng môi trường, đa dạng sinh học, khu vực nạo vét, nhận chìm; xin ý kiến của các cơ quan khoa học về khả năng phát tán chất nạo vét trong quá trình nhận chìm thông qua đánh giá mô hình phát tán.

Họ đã làm nhưng cần có ý kiến đánh giá của cơ quan khoa học để đảm bảo độ tin cậy của báo cáo”, ông Đồng thông tin.

Ngoài ra, cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hội đồng thẩm định đã đề nghị chủ đầu tư Dự án rà soát lại, xem xét những đối tượng liên quan để xin ý kiến tham vấn đồng thuận. Đề nghị họ làm rõ thêm những giải pháp về giám sát các quá trình nhận chìm được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng thời, Hội đồng vẫn đề nghị chủ dự án xem xét thêm phương án ngoài nhận chìm, ví như sử dụng vật chất nạo vét để san lấp phục vụ dự án khác ở ven bờ, nếu làm được vậy là rất tốt. Còn phương án nhận chìm là phương án sau cùng mà tất cả các phương án sau khi xem xét đều không áp dụng được thì mới dùng phương án nhận chìm.

Thông tin thêm, ông Đồng cho hay, để nhận chìm, chủ đầu tư phải làm Dự án nhận chìm theo đúng quy định của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự án nhận chìm phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem xét chấp thuận và họ chỉ được thực hiện khi nào được cấp giấy phép nhận chìm và được giao khu vực biển của khu vực nhận chìm.

Trao đổi với PV Infonet, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, về nguyên tắc khi có hồ sơ đầy đủ thì Bộ sẽ xem xét trên hồ sơ cụ thể phương án nhận chìm của chủ đầu tư, cân nhắc ý kiến của các Bộ, ngành địa phương và cộng đồng; cũng như đối chiếu với những quy định của pháp luật để xem xét. Phải xem xét cụ thể để làm sao bảo đảm an toàn về môi trường và sự phát triển.

Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, về việc góp ý tham gia Hội đồng thẩm định thì Cục đã có ý kiến với Tổng cục Môi trường. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục vẫn chưa nhận được hồ sơ cụ thể nên chưa có cơ sở để nói thêm.

Hiện Bộ đang xem xét hồ sơ cụ thể để quyết định.

Ngày 6/2, tỉnh Quảng Ngãi đã giao chứng nhận đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn một năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn, sử dụng công nghệ lò cao khép kín.

Tuy nhiên trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2017 chưa có nội dung đánh giá phần nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu tại cảng Hòa Phát Dung Quất.

Cảng Hòa Phát Dung Quất là một hạng mục quan trọng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất.

Trong ĐTM đã được phê duyệt, cảng dự kiến được chia làm 2 giai đoạn thi công.

Giai đoạn 1 được thiết kế nhằm đón tàu 100.000DWT, giai đoạn 2 sẽ đón được tàu 200.000 tấn.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đầu tư, Hòa Phát đã quyết định làm song song cả 2 giai đoạn của cảng, dẫn đến khối lượng vật chất nạo vét (trong đó gần 90% là cát nhiễm mặn từ đáy biển) tăng lên rất lớn.

Do gặp khó khăn trong việc đưa khối lượng vật chất nạo vét này vào bờ cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; cũng không thể xuất ra nước ngoài.

Vì vậy, nhà đầu tư tiến hànhđiều chỉnh bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (đã được phê duyệt ngày 22/8/2017), để bổ sung nội dung nhận chìm chất nạo vét.

Hiện nay, hồ sơ điều chỉnh Báo cáo tác động môi trường bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét đã được chủ đầu tư Hòa Phát Dung Quất nộp lên Bộ Tài nguyên môi trường, chờ văn bản phê duyệt chính thức.

Minh Thư

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thep-hoa-phat-xin-nhan-chim-155-trieu-m3-chat-nao-vet-bo-tnmt-noi-gi-post274978.info