Thép Pomina và loạt doanh nghiệp chuyển lãi sang lỗ sau soát xét bán niên

Sau khi kiểm toán vào cuộc soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã 'bốc hơi' mạnh, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ như Louis Capital, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Thép Pomina...

Lợi nhuận của Thép Pomina sụt giảm do giá thép trên thị trường đi xuống. Ảnh minh họa

Lợi nhuận của Thép Pomina sụt giảm do giá thép trên thị trường đi xuống. Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính soát xét do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của CTCP Thép Pomina (mã POM) đạt 8.105 tỷ đồng, giảm 48 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó. Lợi nhuận gộp thu về là 348 tỷ, biên lãi gộp đạt 4,2%. Trừ đi các chi phí, Thép Pomina lỗ 23 tỷ đồng, trong khi theo báo cáo tự lập là lãi sau thuế 8 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh vấn đề nợ ngắn hạn của POM vượt tài sản ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong 10.727 tỷ đồng nợ ngắn hạn, hầu hết là công ty đi vay nợ với số tiền hơn 7.700 tỷ đồng. Cộng với phát sinh khoản lỗ thuần là 23 tỷ tại ngày 30/6 nên kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty thép này.

Phía Thép Pomina lý giải, qua soát xét, công ty con trong nhóm phải lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm. Vấn đề này cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp thép trong ngành nói chung, khi nhiều công ty báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ do tình hình giá thép trên thị trường đi xuống nhanh trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm tương ứng khiến giá vốn cao.

Còn về nợ vay ngắn hạn, công ty cho biết đã dùng vốn ngắn hạn cho dự án lò cao khi nguồn vốn cho dự án không đủ. Hiện POM đang thu xếp nguồn tài trợ bổ sung từ nguồn phát hành cổ phiếu 700 tỷ đồng và từ ngân hàng 500 tỷ, các nguồn vốn này sẽ được thực hiện trong quý 3 và quý 4 tới.

CTCP Louis Capital (mã TGG) cũng ghi nhận báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 do Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam thực hiện có thay đổi lớn so với báo cáo tự lập.

Theo báo cáo đã kiểm toán, doanh thu thuần của Louis Capital đạt gần 507 tỷ đồng, giảm 1,7% so với báo cáo tự lập. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp là 54,4 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với báo cáo chưa kiểm toán. Nguyên nhân là do Louis Capital phải trích lập thêm 28,8 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Điều này dẫn tới Louis Capital lỗ sau thuế 30 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi sau thuế 5,6 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Louis Capital, nguyên nhân của sự chênh lệch trên là do công ty đã bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất đầu tư vào công ty con. Bên cạnh đó, công ty đã phân bổ hết lợi thế thương mại của một công ty con do có dự định chuyển nhượng cổ phần trong năm 2022, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của công ty con.

Theo kế hoạch vừa công bố, Louis Capital đang có ý định bán hết 2,8 triệu cổ phiếu SMT của CTCP Sametel theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Dự kiến giao dịch diễn ra từ ngày 17/8 đến 15/9. Ngoài ra, Louis Capital còn muốn bán tối đa 19% trong tổng 49% cổ phần nắm giữ của một công ty bán mô tô, xe máy là Công ty TNHH Angimex Furious cho Angimex.

Trước Thép Pomina và Louis Capital, cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) đã bị đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ từ 23/8, do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tại báo cáo tài chính soát xét bởi công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC là số âm.

Theo báo cáo tài chính tự lập thì SHS ghi nhận mức lãi gần 32,2 tỷ đồng. Tuy nhiên trong báo cáo soát xét, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của công ty chứng khoán này âm 68 tỷ đồng, giảm 649 tỷ đồng so với con số thực hiện cùng kỳ là 581 tỷ đồng.

Chứng khoán SHS cho biết, doanh thu hoạt động tăng 2,1% từ 621 tỷ đồng lên 634 tỷ đồng, song chi phí hoạt động tăng 32% từ 433,8 tỷ đồng lên 572 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do đơn vị giữ nguyên phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở mục FPTVL (đầu tư tự doanh) thay vì để ở mục AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán) như trong báo cáo tự lập.

Chứng khoán SHS cũng cho biết thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay diễn biến tiêu cực bất ngờ dẫn đến mảng tự doanh gặp nhiều khó khăn, khiến lợi nhuận sau thuế bị lỗ.

CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (mã MAC) lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, trong khi báo cáo tự lập lãi gần 130 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự chênh lệch này đến từ việc điều chỉnh chi phí tài chính tăng gấp 25 lần và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 3 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, MAC ghi nhận doanh thu thuần giảm 18%, đạt hơn 36,7 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5,4 tỷ đồng). Vì thế, lỗ lũy kế của MAC tính đến ngày 30/06/2022 là hơn 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến kết quả hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa MAC với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, MAC có khoản “Phải thu dài hạn khác” với giá trị 35 tỷ đồng. Đây là khoản vốn góp theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 22/04/215 với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi.

Công ty sẽ thu hồi dần tiền ứng vốn trong thời gian 15 năm từ ngày ngày 01/01/2021 đến hết ngày 21/12/2035 thông qua đối trừ chi phí sử dụng bãi. Tuy nhiên, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, MAC chưa ghi nhận kết quả kinh doanh hoạt động từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh này. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra kết luận về kết quả hợp tác kinh doanh cần ghi nhận vào báo cáo tài chính năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 (nếu có).

Ngoài các công ty trên, rất nhiều doanh nghiệp trên sàn cũng ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 “bốc hơi” mạnh hoặc âm nặng hơn sau kiểm toán. Thaiholdings (mã THD) đạt lợi nhuận sau thuế ở mức 217 tỷ đồng, giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI) giảm lợi nhuận từ 25,1 tỷ đồng xuống còn 12,5 tỷ đồng. Còn lợi nhuận Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) giảm 2.250 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, do kiểm toán chưa ghi nhận khoản lãi từ “mua rẻ” cổ phần CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Kiểm toán vào cuộc, mức lãi khiêm tốn nửa đầu năm nay của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) cũng giảm tới 42%, từ 7,8 tỷ đồng xuống 4,5 tỷ đồng. CTCP VKC Holdings (mã VKC) có lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính đã kiểm toán âm hơn 191 tỷ đồng, tăng khoảng 166 tỷ đồng so với mức âm hơn 24,6 tỷ đồng trên báo cáo tự lập.

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) ghi nhận lợi nhuận âm 95,2 tỷ đồng, tăng 4,4 tỷ đồng so với con số âm 90,8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng). Đồng thời, Nhà Đà Nẵng cũng bị đơn vị kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ.

Tình trạng lệch pha giữa số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính tự lập và sau kiểm toán luôn "nóng" mỗi mùa báo cáo tài chính soát xét công bố. Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường. Nhà đầu tư nên cẩn trọng với những doanh nghiệp có tiền sử báo cáo tài chính “đổi màu” trước và sau kiểm toán. Đồng thời xem xét thêm nhiều yếu tố khác như ban lãnh đạo, các cổ đông lớn, lịch sử chi trả cổ tức…

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thep-pomina-va-loat-doanh-nghiep-chuyen-lai-sang-lo-sau-soat-xet-ban-nien-post10823.html