Thép Tiến Lên (TLH) lợi nhuận sau thuế Quý 1 giảm 93% so với cùng kỳ

Thép Tiến Lên (TLH) lợi nhuận Quý 1 giảm 93%, chi phí lãi vay đang là một gánh nặng hiện hữu đối với kết quả kinh doanh

Lợi nhuận sau thuế Quý 1 của Thép Tiến Lên (TLH) giảm 96%, gánh nặng chi phí lãi vay gia tăng

Theo báo cáo tài chính Quý 1 mới công bố của Thép Tiến Lên (TLH) thì doanh thu thuần ghi nhận đạt 1.432 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá vốn hàng bán chiếm 1.383 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ trọng cao khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 49 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,8% xuống chỉ còn 3,4%.

Trong Quý 1, doanh thu tài chính giảm rất mạnh từ 16 tỷ đồng xuống chỉ còn 2 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 8 lần. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng nhẹ từ 20 lên 23 tỷ đồng, chủ yếu trong đó là chi phí lãi vay, cho thấy rằng các khoản vay nợ đang là một gánh nặng đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

 Lợi nhuận Quý 1 của Thép Tiến Lên (TLH) giảm sâu tới 96% (Ảnh TL)

Lợi nhuận Quý 1 của Thép Tiến Lên (TLH) giảm sâu tới 96% (Ảnh TL)

Các chi phí của công ty ngược lại có sự tiết chế, chi phí bán hàng giảm từ 15 tỷ đồng xuống còn 11 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 13 tỷ đồng xuống còn 11 tỷ đồng.

Tổng kết lại lợi nhuận sau khi trừ đi thuế cùng các loại chi phí chỉ còn lại 6 tỷ đồng, giảm tới 96% so với ngưỡng lợi nhuận 86 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước. Dù vậy so với kết quả lỗ tới cả trăm tỷ đồng trong Quý 4 năm 2022 ngay trước đó thì đây vẫn là một sự cải thiện đối với công ty.

So sánh với kế hoạch doanh thu năm 2023, doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,1% và tăng 11,5 lần so với thực hiện năm 2022 thì trong Quý 1, Thép Tiến Lên mới chỉ hoàn thành được 6,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tài sản phần lớn là nợ, rủi ro tăng cao khi tiền đi vay gần bằng vốn chủ sở hữu

Tính tới hết ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Thép Tiến Lên đạt 4.116 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó phần giảm chủ yếu đến từ chỉ tiêu về tiền và các khoản tương đương tiền, giảm một nửa từ 114 tỷ đồng xuống chỉ còn 57 tỷ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm cho thấy tính linh động của tài sản cũng đang bị ảnh hưởng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 373 tỷ đồng lên 516 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 38,3%. Trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tới 670 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 181 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng hàng trăm tỷ đồng doanh thu của Thép Tiến Lên vẫn còn đang nằm ở dạng phải thu, là mới chỉ ghi nhận trên giấy tờ chứ công ty chưa thực sự thu được tiền.

Hàng tồn kho cũng ghi nhận lên tới 2850 tỷ đồng tại thời điểm cuối Quý 1, cao hơn cả vốn chủ sở hữu của công ty.

Về cơ cấu nguồn vốn của Thép Tiến Lên, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn với 2.253 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 54,7% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tương ứng chỉ chiếm 45,3%.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý đó là chỉ tiêu về nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty đang chiếm tới 1.534 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 37,3% tổng nguồn vốn. Tổng cộng cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đạt 1.545 tỷ đồng, cao gần bằng vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro tài chính đối với cơ cấu nguồn vốn của công ty là hiện hữu.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thep-tien-len-tlh-loi-nhuan-sau-thue-quy-1-giam-93-so-voi-cung-ky-post245158.html