Thi 'Bàn tay vàng thanh niên các làng nghề truyền thống'

Ngày 13/10, trong khuôn khổ chương trình Điểm hẹn thanh niên 'Tôi yêu Tổ quốc tôi' do Thành đoàn – Hội LHTN TP Hà Nội tổ chức, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh niên Hà Nội tổ chức Hội thi 'Bàn tay vàng thanh niên các làng nghề truyền thống và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề năm 2018'.

Hội thi thu hút sự tham gia của 22 đội thi với 110 đoàn viên thanh niên các làng nghề truyền thống. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh niên Hà Nội nhằm động viên, khuyến khích và phát hiện tài năng trẻ trong lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

Các bạn trẻ huyện Thường Tín trình diễn nghề thêu

Ban tổ chức đã lựa chọn 5 nghề truyền thống: Làm nón, giang đan, thêu, đan cỏ tế, sơn mài để tổ chức thi tay nghề giữa các đoàn viên thanh niên.

Các bạn trẻ thi làm nón lá

Đến từ xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), chị Nguyễn Thị Lựu (giáo viên mầm non Phương Trung A) tham gia thi trình diễn làm nón lá.

Tự hào về nghề truyền thống của quê hương mình, chị Lựu chia sẻ: “Nón làng Chuông có bí quyết và vẻ đẹp rất riêng khiến nón lá nơi đây bền, đẹp, chắc chắn. Người thợ cần phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chọn lá, xử lý nguyên liệu đến từng đường kim khâu nón”.

Trình diễn nghề giang đan truyền thống

Theo chia sẻ của người thợ trẻ, làm nón có nhiều khâu nhưng khó nhất là khâu quay nón - khâu quyết định thẩm mỹ của chiếc nón. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc nón mới phẳng, chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Làm xong một chiếc nón, phải lấy diêm sinh để hun cho nón trắng hơn, sau đó phết quang dầu cho nón bóng và không bị mốc, gặp mưa, nắng nón vẫn thẳng, không bị cong, co lại.

Yêu nghề truyền thống của quê hương nên dù đã có công việc ổn định, chị Lựu vẫn thường xuyên tham gia làm nón cùng gia đình. Chị tâm sự: “Mình mong muốn các bạn trẻ dù đi đâu, làm gì cũng vẫn dành tình yêu với nghề truyền thống của quê hương. Hội thi là sân chơi thực sự bổ ích, lý thú để cán bộ, đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó tham gia bảo tồn, phát triển làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Cùng với nghề nón, các bạn trẻ còn mang đến hội thi nghề sơn mài, giang đan, thêu, đan cỏ tế... Là thành viên ban giám khảo hội thi bàn tay vàng thanh niên các làng nghề truyền thống, ông Lê Văn Nguyên (nghệ nhân nghề thêu truyền thống Khoái Nội, Thường Tín) chia sẻ: “Qua các năm, hội thi ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, ý nghĩa và thiết thực hơn. Tôi cho rằng, việc duy trì việc tổ chức hội thi là điều vô cùng cần thiết để động viên, khích lệ, tạo sân chơi giúp thanh niên ngày càng yêu nghề truyền thống, gắn bó với nghề hơn”.

Ngọc Minh. Ảnh Vương Đức

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/thi-ban-tay-vang-thanh-nien-cac-lang-nghe-truyen-thong-d2056605.html