Thi công dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây(TT Huế): Đầm lầy bùn 'treo' bên vịnh biển du lịch

VH- Hơn 870 nghìn m3 bùn nhiễm mặn được đổ đầy các bãi đất hoang nằm sát các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Các bãi đầm lầy 'nhân tạo' này nằm sát với vịnh biển du lịch, nơi có rất nhiều du khách quốc tế tàu biển cao cấp đi qua khi đến Huế.

Bùn đen sì và bốc mùi hôi thối đổ sát các tuyến đường nội bộ vào cảng biển Chân Mây

Trong quá trình thực hiện dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), các nhà thầu đã thực hiện việc hút bùn nhiễm mặn từ đáy biển đổ vào đất liền, làm dư luận địa phương lo lắng. Gói thầu hút bùn do Công ty CP Đạt Phương và Công ty xây dựng Lũng Lô thực hiện, với tổng cộng hơn 870 nghìn m3 bùn nhão nhiễm mặn được hút. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư dự án), có hai khu đất với diện tích gần 42 hec-ta được đổ bùn để xử lý. Trong đó, có hàng chục hec-ta vốn từng là khu vực ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân xã Lộc Vĩnh (đã được giải tỏa, đền bù) bị đổ bùn xuống, tạo nên những đầm lầy sâu và rất nguy hiểm. Thế nhưng đơn vị thi công không khoanh hệ thống hàng rào để cảnh báo, mà chỉ cắm những biển thông báo rất sơ sài.

Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 850 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được thực hiện từ năm 2017-2020.

Khu vực đổ bùn nhiễm mặn nằm sát bên các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây. Tuyến đường này là nơi mà du khách tàu biển đi qua khi đến tham quan Huế. Trong khi đó, mùa hè là dịp mà các hãng lữ hành khai thác khách tàu biển quốc tế đến Huế rất lớn. Theo thiết kế, lượng bùn nhão này sẽ được khoanh vùng và hút khô nước. Nước bùn được xử lý an toàn qua hệ thống bể lắng lọc, rồi mới đổ trở lại môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi lo lắng vì việc đổ bùn tràn lan như hiện nay đã tạo thành nhiều bãi đầm lầy bùn “nhân tạo”, bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, và nguy cơ tràn ra đường, ảnh hưởng đến giao thông nếu mưa to bất ngờ.

Biển cắm cảnh báo sơ sài trước một bãi bùn lầy “nhân tạo” vừa được hình thành gần vịnh biển du lịch Chân Mây

Những ngày vừa qua, các nhà thầu liên tục hút bùn từ biển tiếp tục đổ vào đất liền, trong khi đó việc thi công hệ thống mương rào, bờ bao cho các đầm lầy bùn này lại chưa hoàn thiện nên gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện ở xung quanh. Cuối tháng 5 vừa qua, trong quá trình thực hiện bờ bao bãi đổ bùn đất cho gói thầu này, đơn vị thi công cũng làm hệ thống nước dâng lên sát hệ thống thiết bị kỹ thuật của Trạm biến áp Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Chân Mây, gây mất an toàn lưới điện. Điện lực huyện Phú Lộc đã buộc phải đóng Aptomat tổng của Trạm biến áp để đảm bảo an toàn cho con người và vật nuôi trong khu vực. Trạm Biên phòng cửa khẩu Chân Mây đã phải câu nhờ điện của đơn vị hải quan ở gần đó để sử dụng trong những ngày mất điện. Điện lực Phú Lộc đã có văn bản gửi đến Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư dự án), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và liên danh các nhà thầu của dự án để đề nghị có phương án xử lý dứt điểm tình trạng nói trên. Thế nhưng ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiến Huế lại nói chưa nhận được văn bản nói trên (!?).

Về việc bùn nhiễm mặn có nguy cơ ra đường nếu mưa lớn, ông Điểm cũng nói rằng, tháng 8.2018 (tức trước mùa mưa của Huế) sẽ thực hiện xong việc hút bùn, và sẽ nhanh chóng làm khô nên người dân yên tâm. “Trước đây, có đưa ra phương án đổ bùn ngoài biển nhưng vì “nhạy cảm” nên chúng tôi đã quy hoạch bãi thải đổ bùn ở phía đất liền. Việc thực hiện này đã đánh giá tác động của môi trường”, ông Điểm khẳng định.

Ngoài ra, ở gói thầu san lấp mặt bằng lưu thông hàng hóa tại cảng Chân Mây do công ty TNHH Long Đại Thịnh thực hiện cũng đã đào múc dễ dẫn đến gãy đổ các cột điện, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện trong khu vực. Điện lực huyện Phú Lộc đã phải đình chỉ thi công; đồng thời yêu cầu công ty TNHH Long Đại Thịnh có phương án xử lý các cột điện, đảm bảo an toàn cho công trình điện. Nếu có sự cố xảy ra, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/thi-c244ng-d%E1%BB%B1-225n-%C4%91234-ch%E1%BA%AFn-s243ng-c%E1%BA%A3ng-ch226n-m226ytt-hu%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BA%A7m-l%E1%BA%A7y-b249n-treo-b234n-v%E1%BB%8Bnh-bi%E1%BB%83n-du-l%E1%BB%8Bch