Thi công ga ngầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dưới độ sâu 19 m

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Đình Việt, Chỉ huy trưởng giám sát công trình nhà ga ngầm S9, một trong 4 ga ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cho biết: Dự án dài 12,5 km (4 km đi ngầm), có tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Đến nay dự án đã đạt được 30% tiến độ.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có 4 ga ngầm: S9, S10, S11, S12 (Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, ga Hà Nội). Trong đó, ga ngầm S9 đang thi công tầng trung chuyển, kết nối với cầu thang lên xuống ra ngoài. Đây là công trình tàu điện ngầm đầu tiên được thi công tại Thủ đô và là công trình thứ 2 trên cả nước, sau Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Có mặt tại công trường thi công ga ngầm S9 ở độ sâu 19m dưới lòng đất, phóng viên báo Tin tức ghi nhận không khí thi công sôi động của cán bộ, công nhân, người lao động, tư vấn, giám sát của nhà thầu và các đơn vị thi công.

Ga ngầm S9 đang thi công tầng trung chuyển, có độ sâu 19m dưới lòng đất, bề rộng 23,3m, dài 186,6m.

Ga ngầm S9 đang thi công tầng trung chuyển, có độ sâu 19m dưới lòng đất, bề rộng 23,3m, dài 186,6m.

Công nhân thi công kết cấu dầm thép trần tầng trung chuyển.

Công nhân lắp đặt hệ thống thông gió dưới ga ngầm lên mặt đất.

Theo ông Nguyễn Đình Việt, hầm ga S9 rộng 23,3m, dài 186,6m, suốt trong thời gian dịch bệnh vừa qua, hàng ngày, công trường đều duy trì khoảng 40 nhân công tập trung thi công tất cả các hạng mục. Hiện nay, đang là cao điểm đan kết cấu dầm thép trần tầng trung chuyển ga ngầm S9, để đảm bảo trong tháng 5 kịp đổ bê tông. Từ ga ngầm S9 sẽ tiến hành khoan đến các ga ngầm khác.

Kết cấu thép lớp trần tầng trung chuyển dày 1,4m.

Công nhân khoan bê tông ở tường vách ngăn tại ga ngầm S9 chờ đấu nối kết cấu thép.

Còn theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hơn 1 tháng qua, các nhà thầu cũng đã duy trì làm việc ngày 3 ca, huy động nhân lực, máy móc đào và vận chuyển hàng chục nghìn m3 đất đá, giải phóng hiện trường, tạo hình tầng ngầm ga đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị này.

Phun nước làm sạch bề mặt lớp bê tông cốt thép trước khi khớp nối với kết cấu thép trần tầng trung chuyển.

Kỹ sư đo hệ thống thông gió chênh lệch dưới ga ngầm với mặt đất để đảm bảo dưỡng khí trong ga ngầm.

Hệ thống thông gió trên mặt đất ga S9.

Ga S9 là ga đầu tiên trong đoạn ngầm, có vai trò quan trọng đối với toàn dự án, đặc biệt với đoạn ngầm. Ga có 2 tầng, tầng đang thi công là tầng trung chuyển, khi hoàn thành, đưa vào khai thác, sẽ sử dụng đón khách.

Ông Nguyễn Đình Việt cho biết thêm, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định trong quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các ga ngầm. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan, nỗ lực giải quyết dứt điểm mặt bằng để bàn giao cho dự án thi công kịp tiến độ đề ra.

Video ông Nguyễn Đình Việt trao đổi về tiến độ, khó khăn, thuận lợi trong thi công ga ngầm S9:

Sau khi hoàn thiện ga ngầm S9, dự kiến, tháng 11/2020, robot đào ngầm Tunnel Boring Machine (TBM) đường kính 6m sẽ được chuyển về công trường ga S9 để khoan đường ngầm nối thông các nhà ga và thi công tuyến ray ngầm.

Hạ âm khối kết cấu thép sợi thủy tinh, hạng mục quan trọng trước khi thi công ga ngầm S12 - Ga Hà Nội.

Kỹ sư giám sát khối kết cấu thép trước khi hạ âm.

Thi công đan khối kết cấu thép tại ga S12.

Toàn cảnh công trường thi công ga S12, ga cuối cùng trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đặt ngầm dưới lòng đường phố Trần Hưng Đạo.

Hùng Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/thi-cong-ga-ngam-duong-sat-do-thi-nhon-ga-ha-noi-duoi-do-sau-19-m-20200429201319211.htm