Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em ngay tại cộng đồng

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổ chức Care for Children tổ chức hội nghị triển khai dự án Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và dễ bị tổn thương. Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Đào Hồng Lan; Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever; Tổng giám đốc điều hành Care for Children TS Robert Glover

Thứ trưởng Đào Hồng Lan chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 170 nghìn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Trên 22 ngàn trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở nuôi dưỡng. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Đà Nẵng triển khai mô hình thí điểm chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại gia đình.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn một số những khó khăn như: Nhận thức của cộng đồng về chăm sóc thay thế trẻ em còn hạn chế do hình thức chăm sóc này vẫn còn mới tại Việt Nam nên cộng đồng chưa tham gia nhiều, chủ yếu việc nhận nuôi trẻ vẫn chỉ là do người thân họ hàng, số lượng đối tượng là người khác trong cộng đồng chưa được áp dụng nhiều. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội còn thiếu các kiến thức, kỹ năng trong việc đánh giá trẻ em và gia đình nhận chăm sóc thế, kỹ năng giám sát đánh giá quá chăm sóc thay thế trẻ em tại các gia đình.

“Qua thực tế kinh nghiệm của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cho thấy, hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em bởi các cá nhân, gia đình, họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ họ hàng nhưng có tấm lòng thương yêu trẻ là hình thức chăm sóc tốt nhất, đảm bảo được nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc của gia đình, cộng động

Việc chăm sóc thay thế cho trẻ em đã được quy định trong Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc triển khai công tác bảo vệ trẻ em, được đưa vào hoạt động của dự án Hệ thống bảo vệ trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhằm đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn cha mẹ và trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha mẹ đẻ, sẽ được sống trong môi trường gia đình vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan: “Luật đã quy định rõ, tuy nhiên, điều quan trọng là cần triển khai trong thực tế với các mô hình thí điểm để có thể nhân rộng ra toàn quốc. Với mô hình thí điểm tại Hà Nội và Thái Nguyên, mong rằng sẽ có cơ sở để nhân rộng ra toàn quốc. Để thực hiện Luật Trẻ em, đặc biệt là thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc thay thế cho trẻ em bởi các cá nhân, gia đình trong cộng đồng, Bộ LĐ-TB&XH hợp tác với Tổ chức Care for Children triển khai thí điểm Mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội và Thái Nguyên”.

Tổ chức Care for Children đã có kinh nghiệm trong nhiều năm triển khai chăm sóc thay thế cho trẻ em tại nhiều quốc gia. Vì thế, việc thí điểm dự án tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ là cơ sở để Việt Nam làm tốt hơn công tác chăm sóc thay thế cho trẻ em, đảm bảo các quyền của trẻ em để các em trưởng thành là những công dân tốt và có ích cho xã hội. Đây là một khâu mới trong việc áp dụng thực tiễn và lý thuyết tại Việt Nam, đưa Luật trẻ em vào cuộc sống.

TS Robert Glover cho rằng, việc chăm sóc thay thế trẻ em tại cộng đồng là nhằm đa dạng hóa các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em. Care for Children đã triển khai tại Trung Quốc, Thái Lan,…. Dự án đã thí điểm đưa 500 trẻ em Trung Quốc rời khỏi trung tâm chăm sóc tập trung về sống tại gia đình thay thế ngay tại cộng đồng. Sau đó, đã có đánh giá độc lập và thu được kết quả: Đây là hình thức chăm sóc thay thế đạt kết quả cao nhất. Bởi, tất cả trẻ em đều có nhu cầu được chăm sóc, quan tâm của cả bố, mẹ.

“Chúng tôi đã đưa 1 đứa trẻ mồ côi từ Trung tâm chăm sóc tập trung về cộng đồng và một thời gian sau tôi quay lại nhà em sống, đứa trẻ đó đã cầm gậy tre đánh tôi. Tôi hỏi: “Tại sao?” thì em bé trả lời: “Tòa nhà kia là trường của cháu, đây là con chó của cháu không ai được lấy con chó của cháu. Hôm qua cháu trèo lên ngọn cây mọi người trong làng gọi cháu xuống. Mấy người trong làng khi gặp cháu trên đường đi học còn chia cho cháu mấy các bánh. Ở trường và ở làng ai cũng biết và quan tâm cháu và cháu không muốn quay lại trung tâm”, TS Robert Glover chia sẻ câu chuyện và rút ra rằng: “Tất cả những gì chúng ta làm là cho các em gia đình, sự yêu thương và chắc chắn không nơi nào tốt hơn để chăm sóc các em bằng gia đình, cộng đồng của các em”.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam, Luật trẻ em quy định các yêu cầu đối với chăm sóc thay thế, đối tượng trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, các hình thức chăm sóc thay thế; quy định các điều kiện, tiêu chuẩn của các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và các quy trình thủ tục nhận chăm sóc thay thế, các chính sách cho các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Luật Trẻ em cũng quy định nguyên tắc ưu tiên hàng đầu việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích và chỉ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khi các hình thức trên không thực hiện được.

Khi trẻ sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà trẻ chưa có cơ hội được chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình thay thế. “Thực tế cũng cho thấy rằng việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình sẽ tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là trẻ hòa nhập tốt hơn, chỉ số IQ, EQ của trẻ phát triển tốt hơn khi được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung”, Thứ trưởng Lan nhấn mạnh.

Dự án Thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và dễ bị tổn thương được triển khai 12 năm gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ được thí điểm triển khai tại Hà Nội và Thái Nguyên.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thi-diem-mo-hinh-cham-soc-thay-the-cho-tre-em-ngay-tai-cong-dong-d67089.html