Thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội: Phù hợp với đặc thù chính quyền đô thị

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và hội trường. Cho ý kiến về nội dung của Dự thảo, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với mô hình thí điểm này, cho rằng việc này thể hiện Hà Nội là địa phương dám đột phá, dám làm và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc xây dựng mô hình thí điểm.

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Láng Hạ. Ảnh: Thanh Hải

Xây dựng bộ máy tinh gọn

Nói về cơ sở pháp lý xây dựng Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Trên cơ sở Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm gồm 10 điều, nếu được thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020. Theo Dự thảo Nghị quyết, chính quyền địa phương TP Hà Nội ở khu vực đô thị thực hiện mô hình 2 cấp: Cấp TP và cấp quận, thị xã. Ở cấp phường sẽ thí điểm không tổ chức cấp chính quyền và không có tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là phường, UBND để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung cấp một số dịch vụ công.

Tất cả các mệnh lệnh hành chính, các chủ trương, chính sách của cấp quận sẽ được đưa thẳng đến cấp phường và tổ chức triển khai thực hiện. Việc tổ chức giám sát trực tiếp của các ngành chuyên môn cũng sẽ thuận lợi hơn, vấn đề còn lại ở đây là chúng ta đang quan tâm đến cơ chế giám sát. Qua thực hiện thí điểm tại TP Đà Nẵng, chúng tôi thấy rằng vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị và đặc biệt trong đó là việc tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường đóng một vai trò hết sức quan trọng, bên cạnh sự giám sát chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của các Tổ đại biểu HĐND cấp quận đại diện cho phường ở đó phải thực hiện.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng)

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), việc thực hiện thí điểm này nhằm thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội và đây là một điểm cũng rất táo bạo, đổi mới để thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội trong vấn đề tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Về thực tiễn việc thí điểm này đáp ứng với yêu cầu phát triển của đô thị Hà Nội. Yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy, tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN được tốt và hiệu lực hơn, hiệu quả hơn. “Giảm được đầu mối thì dứt khoát giảm bớt được tất cả các thủ tục cho người dân, DN, như vậy sẽ tạo chủ động cho Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội”- ĐB nói.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương đã từng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, tức là tổ chức HĐND 2 cấp (cấp TP và cấp phường), dù có nhiều hạn chế nhưng đánh giá chung thì ưu điểm, hiệu quả là căn bản. "Khi không có HĐND phường thì UBND phường sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền quận tại cơ sở, tức hoạt động như một Ủy ban hành chính" – ĐB nói. Đồng thời nhấn mạnh, không tổ chức HĐND cấp phường không có nghĩa là không có người đại diện cho dân mà đại biểu HĐND TP, quận sẽ chính là người đại diện cho cử tri ở phường.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng), chúng ta đang thực hiện việc thí điểm để từng bước hướng đến một thiết kế chính quyền đô thị. Rõ ràng có sự khác biệt trong cơ cấu, đặc điểm tình hình của một đô thị với các địa phương khác, đòi hỏi tổ chức bộ máy phải đáp ứng nhanh nhạy trong việc phản ứng về chính sách và các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của đô thị đó, với vai trò là những trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các địa phương đó.

Quyền của người dân vẫn đảm bảo

Vấn đề nhiều ĐB quan tâm trong quá trình thảo luận là khi không tổ chức HĐND cấp phường, vậy vai trò người đại diện cho quyền của người dân liệu có được đảm bảo. Theo ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), theo Dự thảo Nghị quyết thì các chức năng có tính đại diện của HĐND phường được chuyển cho HĐND quận, thị xã. Như vậy, HĐND TP, HĐND quận, thị xã là cơ quan đại diện đầy đủ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. UBND phường là "cánh tay nối dài" của UBND quận, chịu sự giám sát của HĐND quận, thị xã. Có thể thấy tất cả các quyền của người dân vẫn được đại diện đầy đủ bởi Quốc hội, HĐND cấp TP, cấp quận và thị xã.

Nhắc lại việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, TP, ĐB Phan Thị Bình Thuận (đoàn TP Hồ Chí Minh) dẫn lại kết quả điều tra, thăm dò dư luận theo báo cáo của Chính phủ cho thấy, người dân tại những nơi thực hiện thí điểm đánh giá quyền đại diện vẫn được bảo đảm. Đa số người dân khi được hỏi cho rằng, khi thực hiện thí điểm, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân, chiếm 53%; số ý kiến cho rằng sự quan tâm vẫn như trước chiếm 37%; số ý kiến cho rằng sự quan tâm kém hơn trước chỉ chiếm 5%. 55% đến 61% người được hỏi đánh giá về tính ổn định, tinh gọn của bộ máy, tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành ở nơi thực hiện thí điểm có chiều hướng tốt hơn.

Từ thực tiễn, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho biết, ở góc độ của đơn vị chuẩn bị ban đầu và đề xuất, TP Hà Nội đã nghiên cứu rất toàn diện, sâu sắc và chuẩn bị kỹ càng, kể cả tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia luật học để trao đổi về những vấn đề liên quan đến tính phù hợp giữa đề xuất với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Để đảm bảo quyền của người dân, ĐB cũng đề nghị, khi không tổ chức HĐND phường, phải tiếp tục nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm giám sát, công tác giám sát, kiểm tra của cấp ủy cũng như công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể. “Khi không có HĐND, vị trí của các tổ chức này càng phải được nâng cao. Tôi nghĩ Chính phủ và MTTQ Việt Nam nên có một văn bản hướng dẫn cụ thể đối với công tác giám sát, phản biện ở những nơi không tổ chức HĐND phường để chúng ta đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân trong công tác giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước” - ĐB nêu.

Các ĐB cũng cho rằng, cần sớm thông qua Nghị quyết này để có thể triển khai và trên cơ sở thực hiện sẽ rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Không thể dùng từ bỏ HĐND phường, bởi đây là việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo mô hình 2 cấp chính quyền (TP và cấp quận), còn phường hiện nay không phải là cấp chính quyền, mà là đơn vị hành chính của phường, trực thuộc của cơ quan hành chính cấp trên, đó cấp quận và thị xã. Trong đề án và trong báo cáo cũng không có câu nào nói là hoạt động của HĐND cấp phường không hiệu quả thì bỏ, mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại mô hình của chính quyền đô thị.

Còn về tên gọi UBND hoặc Ủy ban hành chính, lúc đầu trong đề án của Hà Nội chọn tên gọi là Ủy ban hành chính, nhưng khi thông qua Bộ Chính trị, Bộ Chính trị kết luận giữ lại tên UBND, vì đây là quá trình làm thí điểm. Do đó, sau thời gian thí điểm chúng ta sẽ nghiên cứu tên cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-diem-mo-hinh-khong-to-chuc-hdnd-phuong-tai-ha-noi-phu-hop-voi-dac-thu-chinh-quyen-do-thi-357812.html