Thí điểm thanh toán bằng tài khoản viễn thông và vết xe đổ Rikvip

Việc cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và dịch vụ nội dung số có thể nói là một quyết định có tính đột phá để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thanh toán di động bằng QR Code cũng có thể sử dụng tài khoản viễn thông (ảnh: PK).

Phủ sóng thanh toán trực tuyến 98% dân số

Trong khi tỉ lệ dân số của Việt Nam có tài khoản ngân hàng mới chỉ chiếm khoảng 30% thì với mạng viễn thông di động, vùng phủ sóng đã đến được với 98% dân số. Theo đó, 98% dân số có thể sử dụng tài khoản viễn thông để thúc đẩy thanh toán trực tuyến thông qua kênh di động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch Cty M_Service đang vận hành ví điện tử MoMo – cho biết, rào cản lớn nhất để phát triển ví điện tử lâu nay chính là qui định người dùng ví điện tử phải nạp tiền từ tài khoản ngân hàng. Chính vì thế, số người dùng ví cũng chỉ có thể phát triển trong tỉ lệ dân số 30% chứ khó phá triển rộng ra hơn.

Trên thực tế, mới có 30% dân số có tài khoản ngân hàng cũng đồng nghĩa là ngân hàng chưa/không thể với tới nhiều khu vực như vùng sâu, vùng xa, vùng cao, hải đảo.v.v… Đối với những khu vực này, tài khoản viễn thông có thể kết nối với ví điện tử được ví như một mạng lưới “ngân hàng trực tuyến” bù đắp cho hạn chế là ngân hàng chưa/không thể với tới được.

Việc cho thí điểm thanh toán bằng tài khoản viễn thông, ở góc nhìn chính diện là đa dạng hóa các kênh thanh toán trực tuyến để thúc đẩy không dùng tiền mặt, đặc biệt là trực tuyến hóa thanh toán ở các vùng sâu, xa; mặt khác đây cũng là một sự tháo gỡ phá thế độc quyền của ngân hàng trong thời đại kinh tế số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ và mô hình kinh tế mới phát triển.

Bởi nếu không có các phương thức và nền tảng thanh toán trực tuyến đa dạng để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng, thì sẽ khó thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh.

Phải tránh vết xe đổ Rikvip

Vụ án cổng cờ bạc online Rikvip đã gây xôn xao dư luận trong suốt năm 2018. Cả chục ngàn tỉ đồng đã đổ vào “chiếu bạc” này mà trong đó hầu hết số tiền đánh bạc đi qua đường thẻ cào điện thoại. Từ chỗ sử dụng thẻ cào điện thoại cho các dịch vụ nội dung số, nó đã được tận dụng và lợi dụng để sử dụng cho việc đánh bạc.

Đến tháng 4.2018, Bộ TT&TT đã có chỉ đạo tạm ngừng sử dụng thẻ cào điện thoại thanh toán các dịch vụ nội dung số. Tuy nhiên, mặt trái của việc tạm ngừng này là các dịch vụ nội dung số bị thu hẹp kênh thanh toán khiến cho sự tăng trưởng và phát triển gặp khó khăn.

Cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán sẽ tạo cú hích cho ví điện tử phát triển (ảnh: PK).

Bản chất của việc sử dụng thẻ cào trong vụ án Rikvip không phải là các Cty viễn thông di động, các doanh nghiệp trung gian thanh toán… không hề hay biết dòng tiền chảy vào cờ bạc online. Mà ngược lại, là biết rất rõ, nhưng vì hám lợi nên nhắm mắt làm ngơ hoặc “cố đấm ăn xôi” để trục lợi.

Tài khoản viễn thông hoàn toàn có thể sử dụng độc lập với tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có thể liên kết liên thông với nhau. Công nghệ ngày nay đủ sức giải quyết những bài toán này.

Vấn đề là, khi cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông trong đó có thể nạp tiền vào tài khoản viễn thông bằng thẻ cào, thì cũng phải kiểm soát được đường đi của dòng tiền đúng vào các giao dịch kinh tế, dịch vụ, nội dung số… đúng pháp luật để phát triển thị trường; tránh rơi vào vết xe đổ Rikvip là tiền từ tài khoản viễn thông lại chảy về các “chiếu bạc” online.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/thi-diem-thanh-toan-bang-tai-khoan-vien-thong-va-vet-xe-do-rikvip-652736.ldo